Bản tin dịch COVID-19 trong 24h qua: Giám sát chặt chẽ, không cho phép người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly

17/10/2020 11:19

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, việc quản lý các trường hợp nhập cảnh còn lỏng lẻo, có hiện tượng người từ bên ngoài vẫn có thể vào khu cách ly và tiếp xúc với người đang cách ly dẫn đến nguy cơ làm lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương mục tiêu kép của Chính phủ và thành quả phòng chống dịch của cả nước.

 Ban Chỉ đạo đã gửi Công điện đến Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành đề nghị tăng cường quản lý người nhập cảnh trong các khu cách ly tập trung.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 16/10/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 39.535.227 người mắc; 1.108.120 người tử vong.

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1124 ca mắc COVID-19

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 1031 ca.

- Số ca tử vong: 35 ca

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

433

691

11.893

1.197


1. Tính đến 9h ngày 17/10: Việt Nam có tổng cộng 433 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

+ Từ 18h ngày 16/10 – 6h sáng 17/10: ghi nhận 0 ca mắc mới.

2. Số ca bình phục trong 24h qua: 01 ca.

3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca

4. Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2:  7 ca.

- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 4 ca.

-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 12 ca

5. Số người cách ly: 13.090 người

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 166 người

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.727 người

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.197  người

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 433 ca

7. Số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay:  551 ca

8. Nhận xét:

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 378.355 trường hợp mắc COVID-19 và 5.578 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 39,5 triệu người.

Ngày 16/10, thế giới có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ. Dịch đang chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (65.910 ca), Ấn Độ (65.126 ca), Brazil (29.304 ca) và Pháp (25.086 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 886 ca), Mỹ (861 ca), Brazil (701 ca) và Mexico (với 387 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.282.501 ca nhiễm và 223.577 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 7,4 triệu ca nhiễm và 113.032 ca tử vong, và Brazil với trên 5,2 triệu ca nhiễm và 153.214 ca tử vong.

Không chỉ châu Âu mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nhiều nước châu Á cũng đang có xu hướng gia tăng trở lại. Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.219 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 19.978 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia đã vượt qua Philippines để dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.

Indonesia cũng là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy dấu hiệu “hạ nhiệt” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận trên 629 ca bệnh phát sinh và 6 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 1.137 ca bệnh mới và 34 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Việt Nam, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 16/10.

 

Ngày 16/10, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã cùng với Phái đoàn các nước Chile (nước Chủ tịch Ủy ban Pháp lý), Bồ Đào Nha, Sierra Leone và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc Thảo luận trực tuyến với chủ đề “Đánh giá các khía cạnh pháp lý liên quan đến đại dịch COVID-19”.

Tham dự cuộc Thảo luận, sự kiện bên lề Ủy ban Pháp lý của Đại hội đồng LHQ Khóa 75, có hơn 80 đại diện của các nước thành viên LHQ, cùng các diễn giả là thành viên Ủy ban Luật quốc tế (ILC) của LHQ.

Phát biểu bế mạc cuộc Thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng đại dịch COVID-19 bộc lộ các điểm yếu và dễ tổn thương của cộng đồng quốc tế, đồng thời là cơ hội để nhìn nhận về các hạn chế của khuôn khổ thể chế toàn cầu, trong đó có các khoảng trống trong quy định pháp lý quốc tế, làm cơ sở tăng cường khả năng chống chịu và tính sẵn sàng trước dịch bệnh và các thách thức toàn cầu trong tương lai.

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh cần tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế, trong đó LHQ đóng vai trò trung tâm, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tất cả các chủ thể và cộng đồng người dân, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về bình đẳng và chủ quyền quốc gia.


*Về công tác chỉ đạo, điều hành

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi Công điện số 1640/CĐ-BCĐ đến Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành về việc Tăng cường quản lý người nhập cảnh trong các khu cách ly tập trung.


Theo đó, Ban Chỉ đạo nhận định, trong thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 là các chuyên gia từ Liên Bang Nga, Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên việc quản lý các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là vấn đề thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với các chuyên gia tại các cơ sở cách ly chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương.

Việc quản lý các trường hợp nhập cảnh còn lỏng lẻo, có hiện tượng người từ bên ngoài vẫn có thể vào khu cách ly và tiếp xúc với người đang cách ly dẫn đến nguy cơ làm lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương mục tiêu kép của Chính phủ và thành quả phòng chống dịch của cả nước.

Để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh, đặc biệt là đối với các trường hợp là chuyên gia vào Việt Nam làm việc, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan ra cộng đồng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.

Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 trước khi làm thủ tục nhập cảnh đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo đúng các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.

Đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh không để lây nhiễm trong thời gian thực hiện cách ly và tại các cơ sở cách ly, đặc biệt lưu ý không cho phép người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly và tiếp xúc với người đang thực hiện cách ly, người đang cách ly không được ra khỏi khu cách ly và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sau khi kết thúc thời gian thực hiện cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và yêu cầu các trường hợp nhập cảnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân.

* Về công tác điều trị, xét nghiệm:

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.031 bệnh nhân/1.124 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 7 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Lan Anh
Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục