Câu chuyện đẹp từ chiếc vỏ mì tôm

27/11/2020 10:59

Từ những chiếc vỏ của gói mì tôm, cô Vũ Thị Thảo - giáo viên Trường Trung học Vinschool Times City cùng thành viên Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh đã chế tạo thành những sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, để lan tỏa hơn ý nghĩa của việc làm này, toàn bộ số tiền từ bán sản phẩm tái chế được câu lạc bộ dành cho các quỹ thiện nguyện. Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh đang viết nên những câu chuyện đẹp từ những chiếc vỏ mì tôm...

Thông điệp bảo vệ môi trường

Đầu năm 2020, Trường Trung học Vinschool Times City phát động “Tuần lễ bảo vệ môi trường”, trong đó có cuộc thi ý tưởng tái chế phế thải thành vật dụng hữu ích. Là người tâm đắc với những việc làm bảo vệ môi trường, cô giáo Vũ Thị Thảo, giáo viên dạy thể dục của trường, đã nghiên cứu, tìm tòi vật liệu tái chế. Sau rất nhiều đắn đo, suy nghĩ, chị Thảo đã chọn những chiếc vỏ của gói mì tôm. “Vỏ mì tôm mềm, dễ cuộn, lại có nhiều màu sắc nên sẽ tạo ra những sản phẩm bắt mắt và nếu được tái chế còn góp phần hạn chế tối đa việc thải rác khó phân hủy ra môi trường”, chị Thảo chia sẻ.

Ảnh minh họa nguồn internet

Triển khai ý tưởng này, chị Thảo gửi thông báo tuyển thành viên trên Facebook và đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người. Không chỉ riêng học sinh trong hệ thống Trường Vinschool, học sinh nhiều trường THPT khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng hưởng ứng. Từ đó, Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh ra đời, với số thành viên ban đầu gần 30 người và nay đã có hơn 100 thành viên.

Bắt tay vào việc, các thành viên câu lạc bộ phân công nhau thu gom vỏ mì tôm theo khu vực mình sinh sống. Hồ Quỳnh Anh, học sinh lớp 11A1 Trường Trung học Vinschool Times City cho biết, khi trao đổi về việc thu gom vỏ mì tôm để tái chế thành vật dụng hữu ích nhằm bảo vệ môi trường, Quỳnh Anh đã nhận được ngay sự đồng tình, ủng hộ của nhiều gia đình và em đã hướng dẫn mọi người cách lấy vỏ mì tôm cho đúng cách, để bảo đảm yêu cầu khi tái chế.

Từ những chiếc vỏ mì tôm tưởng chừng bỏ đi, qua các khâu làm sạch, tạo sợi rồi đan, các sản phẩm hữu dụng như túi xách, lót cốc, hộp bút, giỏ, đĩa, lọ hoa... đã ra đời. Nhớ về ngày đầu câu lạc bộ hoạt động, chị Thảo tâm sự: "Thời gian đầu, các em chỉ làm những công đoạn đơn giản, nhưng nay các em đã làm được nhiều sản phẩm có tính mỹ thuật cao. Với mong muốn bớt lượng rác thải ra môi trường, ngoài việc trực tiếp cùng các em làm sản phẩm, tôi còn quay video đăng tải trên Facebook và Youtube để mọi người đều có thể làm đồ tái chế từ vỏ mì tôm".

Nỗ lực của cô và trò được tiếp sức thêm bởi những phụ huynh nhiệt tình, tâm huyết. Chị Đặng Thị Tân Hương, phụ huynh học sinh Trường Vinschool cho biết: "Nhận thấy các sản phẩm của câu lạc bộ rất có ý nghĩa nên tôi đã mượn sản phẩm mang đi trưng bày tại một chương trình hoạt động về môi trường và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Từ đó, tôi đã động viên cô và trò tham dự cuộc thi sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” do Quỹ ASEAN tổ chức nhân dịp kỷ niệm Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam”. Và niềm vui đã đến khi ngày 5-9 vừa qua, sản phẩm tái chế của câu lạc bộ đã giành giải Ba vòng chung kết cuộc thi. Đó là niềm động viên lớn lao với các thành viên câu lạc bộ.

Tiếp nối hành trình lan tỏa

Không chỉ biến những chiếc vỏ mì tôm thành vật dụng hữu ích trong đời sống, Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh còn tiếp tục nối dài ý nghĩa của việc làm này bằng quyết định dành toàn bộ tiền bán sản phẩm để ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 và những trường hợp học sinh gặp khó khăn trong chương trình Cặp lá yêu thương của Đài Truyền hình Việt Nam. Nói về quyết định này, cô giáo Thảo tâm sự: "Câu lạc bộ lựa chọn ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 để đánh dấu thời điểm câu lạc bộ ra đời trong mùa dịch Covid-19. Còn việc ủng hộ các trường hợp của chương trình Cặp lá yêu thương là để các em thêm thấu hiểu và biết chia sẻ với các bạn học sinh đang gặp nhiều khó khăn". 

Việc lan tỏa không chỉ dừng ở đó. Với mỗi khách đặt mua hàng, câu lạc bộ đều truyền tải thông điệp thiện nguyện khi cho biết số tiền bán sản phẩm sẽ được ủng hộ hoàn toàn cho chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình Cặp lá yêu thương. Câu lạc bộ sẽ không trực tiếp nhận tiền, mà khách mua sản phẩm sẽ tự mình lựa chọn một trong hai chương trình để gửi tiền cho quỹ, rồi sau đó sẽ được nhận sản phẩm. Nhận thấy ý nghĩa của việc làm này, nhiều khách hàng đã tự nguyện trả giá cao cho sản phẩm tái chế...

Cô giáo Mai Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Vinschool Times City đánh giá cao những nỗ lực của Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh và cho biết, nhà trường luôn khuyến khích hoạt động của câu lạc bộ thông qua việc bố trí địa điểm sinh hoạt chung và ủng hộ kinh phí để cô trò cùng triển khai dự án, với mong muốn những hành động nhỏ này sẽ góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Thanh Tâm
Nguồn https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/823793/cau-chuyen-dep-tu-chiec-vo-mi-tom1

Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện đẹp từ chiếc vỏ mì tôm" tại chuyên mục Giáo Dục.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục