Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế tập thế, hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 tại Hà Nội

13/03/2021 10:36

Thực hiện các công tác chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triên Nông thôn liên quan đến phát động phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến 2020”. Hà Nội đã có nhiều bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng…

Không thể phủ nhận vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu, tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ cho người nông dân có thêm điều kiện tốt để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hoạt động.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố có 70 HTX trong chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 HTX ứng dụng công nghệ cao; 53 HTX với 180 sản phẩm được phân hạng, công nhận là sản phẩm OCOP; nhiều HTX thành lập mới trong nhiều ngành, lĩnh vực cho thấy sự đa dạng về đối tượng tham gia và sức lan tỏa của Phong trào thi đua là rõ rệt.

Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị về kiểm tra thực hiện nông thôn mới tại huyện Đan Phượng

Điều này góp phần thay đổi tư duy của các thành viên trong sản xuất, phát triển kinh tế, cho thấy dịch vụ hỗ trợ thành viên của HTX là có hiệu quả, đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Các dịch vụ của HTX cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên, nhân dân, đảm bảo đúng thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất.

Đi kèm với sản xuất thì hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được các HTX chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia. Đặc biệt, mô hình liên kết “4 nhà” phần nào giải quyết khó khăn của các HTX trong sản xuất, thực hiện tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Đoàn công tác Trung ương làm việc tại huyện Đan Phượng

Ngoài ra, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trinh xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đạt kết quả cao. Nhiều HTX đã triển khai theo phương thức mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm thông qua các hoạt động mang tính kết nối như: Hội thảo, hội chợ, hội nghị giao thương… và các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về quản lý, điều hành và xúc tiến thương mại nói chung.

Trong đó, nhờ sự liên kết để tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của xã viên trên thị trường ngày càng khốc liệt, hay có sự giao thương ngay giữa các HTX với nhau cũng góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của xã viên, nâng cao doanh thu cho HTX…

Hiện tại, Hà Nội có 1235 HTX nông nghiệp, bao gồm: 1090 HTX đang hoạt động (88.3%), trong đó, có 790 HTX tổng hợp, 222 HTX trồng trọt, 50 HTX chăn nuôi, 21 HTX nuôi trồng thủy sản, 01 HTX lâm nghiệp, 06 HTX nước sạch nông thôn. Và, 145 ngừng hoạt động, chờ giải thể (11.8%).

Đây là thành quả của 05 năm vừa qua của Sở NN&PTNT Hà Nội trong thực hiện theo chỉ đạo. Tổ chức thành công 05 lớp tập huấn, 02 đoàn học tập kinh nghiệm cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX và trang trại… với số lượng tham gia hơn 500 học viên. Tổ chức 109 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp với trên 6500 học viên (đạt 100% nội dung Đề án).

Thông qua chuỗi liên kết giúp giải bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao doanh thu của HTX

Thông qua các lớp tập huấn này, thành viên quản lý đã có nhiều định hướng phát triển, tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn thành viên sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, đăng ký truy suất nguồn gốc bằng tem điện tử QR code… để nâng cao giá trị sản phẩm của chính các HTX. Ngoài ra, các HTX cũng được tiệm cận với nhiều chính sách ưu đỗi về vốn, nguồn giống, hạ tầng để có thể yên tâm sản xuất và tiêu thụ.

Qua các phong trào thi đua, các đơn vị kinh tế tập thể trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến và hoạt động bao đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một số HTX còn mạnh dạn đầu tư, đổi mới khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên và người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh thành công vẫn tồn tại nhiều điểm cần khắc phục. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách ở một số nơi chưa được thường xuyên, thực hiện áp dụng chính sách của Trung ương và thành phố đối với các HTX còn hạn chế. Vai trò của nhiều HTX còn mờ nhạt, chưa mang lại lợi ích thiết thực dẫn đến lòng tin của thành viên đối với HTX chưa cao; phương thức tổ chức còn đậm chất truyền thống nên hiệu quả kinh doanh thấp; sản xuất nông nghiệp bấp bênh do biến động giá trên thị trường, diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…

Chính vì vậy, để giải quyết phần nào các hạn chế trên thì trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của kinh tế tập thế, kinh tế HTX; tăng cường công tác quản lý nhà nước; duy trì, củng cố chất lượng hoạt động của HTX; triển khai các chính sách hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, Bộ NN&PTNN cần ban hành văn bản hướng dẫn Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu giải pháp phát triển HTX nông nghiệp quy mô xã và HTX nông nghiệp chuyên ngành giai đoạn 2021-2025…

Phan Huy
Nguồn https://doanhnghiepvadautu.net.vn/nhin-lai-ket-qua-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-nong-nghiep-giai-doan-2016-2020-tai-ha-noi/
Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục