Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 71 Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

06/10/2020 21:01

Từ ngày 6-9/10, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Trần Văn Thuấn dẫn đầu đoàn Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 71 Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dưới hình thức trực tuyến về COVID-19 và các vấn đề ưu tiên khác trong khu vực.

Tại Kỳ họp 71, các Bộ trưởng Y tế và các lãnh đạo y tế từ các nước và khu vực trên khắp châu Á-Thái Bình Dương họp bàn trực tuyến để nhất trí hành động về các vấn đề sức khỏe khu vực và đưa ra ưu tiên cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tây Thái Bình Dương- khu vực ghi nhận ca mắc và tử vong do COVID-19 thấp nhất thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong thông điệp video gửi tới các Bộ trưởng Y tế khu vực đã biểu dương những nỗ lực chống dịch ở khu vực: “Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn các hệ thống y tế, các nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Virus mới này bắt nguồn từ Tây Thái Bình Dương, nhưng cho tới nay, khu vực ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 thấp nhất. Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Nhiều nước ở Tây Thái Bình Dương là ví dụ cho thế giới về tầm quan trọng lâu dài của việc đầu tư vào khả nang sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Thông qua những kinh nghiệm đau thương, nhiều nước đã phát triển “bộ nhớ” để ngăn ngừa sự truyền nhiễm và cứu mạng. Nhưng tất cả các quốc gia cần nâng cao cảnh giác. Virus vẫn đang hoành hành và người dân vẫn có khả năng mắc.”

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gửi thông điệp tới Kỳ họp. (Ảnh: Hoàng Tuấn)

 

Theo số liệu của WHO, Tính đến ngày 6/10, trên toàn cầu ghi nhận trên 35,1 triệu ca mắc COVID-19 tại 217 quốc gia/vùng lãnh thổ ; hơn 1 triệu 35 nghìn ca tử vong ghi nhận tại 195 quốc gia/vùng lãnh thổ. 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới gồm Mỹ (trên 7,25 triệu ca), Ấn Độ (trên 6,5 triệu ca); Brazil (trên 4,88 triệu ca); Nga (trên 2,2 triệu ca); Colombia, Peru, Tây Ban Nha, Argentina, Mexico và Nam Phi.

Khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 630 nghìn người mắc tại 23 quốc gia/vùng lãnh thổ, trên 13,7 nghìn người tử vong. Các quốc gia ở khu vực tiếp tục ở các giai đoạn khác nhau của dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc, TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cho biết: “COVID-19 là thách thức y tế công lớn nhất chúng ta từng đối mặt trong vòng 100 năm qua, nó đang thử thách không chỉ năng lực của các hệ thống y tế, mà còn khả năng thích nghi phục hồi của các nền kinh tế và cộng đồng xã hội. Nhưng tôi tự hào về tinh thần đoàn kết đặc trưng bởi sự tương tác giữa các quốc gia trong khu vực trong vòng 9 tháng qua. Trong những thời điểm khó khăn này, các quốc gia đã cùng nhau trong tinh thần hợp tác và đoàn kết, với nhận thức rằng không một quốc gia nào trong khu vực an toàn cho tới khi mỗi quốc gia đều an toàn.”

TS.Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương phát biểu khai mạc tại Kỳ họp WHO Tây Thái Bình Dương lần thứ 71.

Đây là lần đầu tiên kỳ họp tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Nội dung tập trung vào COVID-19, các bệnh có thể ngăn ngừa được bằng vắc-xin và tiêm chủng; phẫu thuật giá rẻ và an toàn, già hóa dân số và sức khỏe. Kỳ họp cũng sẽ bàn về ngân sách chương trình 2022-2023 và thông qua các nghị quyết vào sáng 9/10. Tại kỳ họp, Bộ trưởng Y tế và lãnh đạo y tế các nước chia sẻ kinh nghiệm chống dịch COVID-19 cũng như chương trình vì tương lai khu vực khỏe mạnh và an toàn nhất.

TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng cho biết cùng với các đối tác, WHO đã cung cấp trang thiết bị và thuốc men từ kho dự trữ của WHO gần 7 triệu khẩu trang, hơn 1 triệu máy thở, gần 370 nghìn xét nghiệm chẩn đoán trên khắp khu vực.

WHO đã phối hợp nghiên cứu và phát triển với sự tham gia của các nước trong khu vực tham gia vào chương trình thử nghiệm chung mang tên WHO Solidarity Trial (Thử nghiệm đoàn kết của WHO).

Ở Thái Bình Dương, các nhân viên của WHO, DFAT, MFAT, các cơ quan LHQ và các đối tác khác làm việc cùng với đội ngũ quản lý sự cố chung và đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm phối hợp của WHO về nhiều khía cạnh ứng phó khác nhau.

Về vấn đề vắc-xin phòng COVID-19, WHO sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để đảm bảo phân phối vắc-xin công bằng nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường ở khu vực.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại kỳ họp

Tham dự và phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS.Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam vui mừng chứng kiến sự triển khai chương trình “Vì tương lai: hướng tới khu vực khỏe mạnh và an toàn nhất” kể từ ngày đầu tiên của năm nay. Ở Việt Nam, Chương trình Hợp tác Sức khỏe WHO-Việt Nam 2020-2021 đã gắn kết đầy đủ với “Vì tương lai” cũng như các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO.

Đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Kỳ họp trực tuyến lần thứ 71 Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới. (ảnh: Nguyễn Nhiên)

Thứ trưởng cho biết COVID-19 đang ảnh hưởng tới các quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam cho tới nay đã thành công trong khống chế dịch COVID-19 ở trong nướcTính đến ngày 6/9, Việt Nam ghi nhận 1.096 ca mắc và 35 ca tử vong. . Trên 90% số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đã hồi phục. Trong vòng 33 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới lây lan trong cộng đồng.

Thành quả này có được nhờ kích hoạt sớm hệ thống cảnh báo mạnh mẽ, sự lãnh đạo từ chính phủ và sự huy động thành công các nguồn lực với sự vào cuộc của toàn thể xã hội, sự đầu tư mang tính lâu dài của đất nước để củng cố ứng phó khẩn cấp với sức khoẻ sau các đợt dịch trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cảnh giác cao độ với COVID-19 với phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Trần Văn Thuấn tại Kỳ họp WHO Tây Thái Bình Dương 71. (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo của WHO Tây Thái Bình Dương và đội ngũ WHO tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam qua hỗ trợ kỹ thuật ở các lĩnh vực trọng yếu gồm chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế công.

Đại dịch hiện tại còn tiếp diễn, chúng ta phải “sống chung với COVID-19” và kiểm soát dịch. Việt Nam hy vọng WHO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong đó có kiến thức mới và kết quả khoa học cập nhật về virus, dịch bệnh và công cụ ứng phó.

Việt Nam cũng hy vọng WHO sẽ đóng vai trò tại khu vực và toàn cầu trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc-xin COVID-19. Việt Nam nhân dịp này bày tỏ sự biết ơn tới các bác sỹ và y tá trên toàn thế giới bởi nỗ lực không ngừng nghỉ chống lại đại dịch và biểu dương nỗ lực của WHO cùng các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19.

 

Thu Trang
Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục