Cô giáo trẻ đam mê sự nghiệp ‘trồng người’ ở vùng khó

19/12/2020 17:08

“Mỗi ngày được nhìn thấy các em học sinh đến lớp đông đủ là niềm vui và là động lực to lớn để tôi tiếp tục gắn bó với nghề”, cô giáo Đinh Thị Hồng Linh, sinh năm 1993, người dân tộc Hrê, giáo viên Trường mầm non An Dũng, huyện An Lão (Bình Định) chia sẻ.

Vừa qua, cô Hồng Linh là một trong 63 gương thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Một tiết học sôi nổi của cô Linh cùng các em học sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo cô Đinh Thị Hồng Linh, để có được thành công như ngày hôm nay, cô đã trải qua những năm tháng đầy gian khó. Gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ phải làm việc vất vả nuôi cô khôn lớn. Năm 2011, biết tin mình đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương I (Hà Nội), chuyên ngành mầm non, Hồng Linh vừa vui, vừa thấp thỏm lo lắng. Bởi gia cảnh khó khăn, liệu có thể đi đến đích của ước mơ? 

Ra Hà Nội, thời gian đầu, Hồng Linh chật vật với cuộc sống xa nhà. Mọi thứ đều mới mẻ, bỡ ngỡ nhưng sau rồi dần quen, cô gái trẻ thích nghi và bắt nhịp với cuộc sống nơi đây. Sống xa nhà, xa bố mẹ, người thân nhưng bù lại, Hồng Linh được học tập và trải nghiệm ở môi trường mới, gặp những người bạn cùng chí hướng, được thầy, cô khai sáng tâm trí. Đó là điều hạnh phúc vô cùng.

Để trang trải cuộc sống, có tiền đóng học phí, Hồng Linh vừa đi học vừa làm thêm vào những ngày cuối tuần. “Lắm lúc mệt rã rời nhưng lại thấy mình may mắn, tự hào vì sự cố gắng của bản thân, quan trọng hơn là tôi đã tự kiếm tiền để đỡ một phần giúp bố mẹ ở nhà”, Linh chia sẻ.

Hồng Linh luôn cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ. Ngành học mầm non tưởng chừng dễ nhưng càng học, cô gái 9X càng nhận ra không hề đơn giản. Theo đuổi sự nghiệp này, đòi hỏi những cô giáo mầm non tương lai phải quý trẻ, yêu nghề, kiên nhẫn, biết kiềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao và hết sức bao dung. Bao nhiêu lần tưởng chừng phải dừng lại nhưng rồi Hồng Linh đã quyết tâm để chạm tới ước mơ của mình.

“Nghĩ đến những đứa trẻ trong làng nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương… tôi thương mà càng cố gắng vươn lên”, cô Linh xúc động.

Nhớ lại ngày đầu tiên về quê thực tập tại trường Mầm non An Lão, khi bước vào cổng trường, nữ sinh sư phạm khi ấy vừa hồi hộp, vừa lo lắng nhưng thấy các em nhỏ ở đây rất dễ thương, gần gũi khiến cô càng yêu nghề giáo.

Năm 2013, tốt nghiệp ra trường, Hồng Linh được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão, tỉnh Bình Định bố trí công tác tại trường Mẫu giáo An Dũng, xã An Dũng - nơi cô giáo người Hrê sinh ra và lớn lên. Vậy là Hồng Linh chính thức được dạy những con chữ đầu tiên cho đồng bào mình.

An Dũng là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Người dân nơi đây phần lớn là người dân tộc Hrê, chủ yếu làm nông, trình độ dân trí thấp. Địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông và dưới chân núi. Giao thông đi lại không thuận tiện, có sông nhưng không có cầu. Đến mùa mưa, học sinh ở bên kia sông phải nghỉ học vì không có cầu qua lại. Có những hôm, cha mẹ các em đi làm xa không về kịp để đón con, cô Linh phải cõng từng em qua sông để trở về nhà.

“Do người dân ở đây thường phải đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà (là những người cao tuổi) nên các em không được đến trường. Vì vậy tôi và các thầy, cô giáo phải vào tận nhà đón các em đến lớp và chiều lại đưa các em về”, cô Linh chia sẻ.

Trường học không đủ phòng nên nhà trường phải mượn nhà văn hóa thôn cho giáo viên dạy học. Trong thời gian gần đây, theo quy hoạch của tỉnh, An Dũng là vùng nằm trong dự án hồ chứa nước Đồng Mít. Các hộ dân phải di dời đi nơi khác. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tâm lý phụ huynh và việc học của học sinh… Đặc biệt, trong năm vừa rồi, dự án bắt đầu xây dựng thì càng thêm khó khăn cho nhà trường và nhân dân.

Dù nhiều trở ngại là vậy nhưng cô Hồng Linh và học trò chưa bao giờ từ bỏ mà vẫn nỗ lực dạy tốt, học tốt. Ngoài các hoạt động dạy học, cô và trò tham gia các cuộc thi do ngành tổ chức như: “Bé năng động cùng Aerobic cấp huyện”, “Bé yêu tiếng Việt cấp huyện”… Trong nhiều năm liên tiếp, các em đều đoạt giải cao. Học trò ở đây là người dân tộc thiểu số nhưng rất mạnh dạn, tự tin khi được tham gia và thi tài với các bạn trường khác trong huyện.

Trong quá trình công tác tại trường, với học sinh, cô Linh luôn tận tâm hướng dẫn, dạy bảo cho các em. Trong chuyên môn, cô luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi những tài liệu bổ ích để bổ sung kiến thức. Cô tham gia các cuộc thi như: Giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên dạy giỏi cấp huyện đều đoạt giải. Cô Đinh Thị Hồng Linh còn tham gia các cuộc thao giảng do trường tổ chức, đặc biệt là thao giảng cụm để các trường bạn cùng đến tham dự, trao đổi học tập chuyên môn. Năm học vừa qua, cô giáo 9X đã tham gia cuộc thi “Tìm hiểu đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và trẻ tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020” đạt giải Ba…

“Tôi rất vui mừng vì sự cố gắng của bản thân được ghi nhận và góp phần đem lại lợi ích cho bản thân cũng như ngành sư phạm”, cô giáo Linh bày tỏ. Có thể khẳng định, Hồng Linh là thế hệ thầy giáo, cô giáo có tinh thần xung kích, không ngại khó khăn gian khổ vì học sinh thân yêu. Đó là thế hệ thầy cô giáo có tinh thần khai phóng, luôn tiếp nhận cái mới trong giáo dục, không ngừng cập nhật thông tin và áp dụng công nghệ trong việc dạy và học. Cô đã có những sáng kiến, mô hình, công trình nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy học sinh; gợi mở tư duy, kể chuyện thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh vùng sâu vùng xa.

V.T/Báo Tin tức
Nguồn https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/co-giao-tre-dam-me-su-nghiep-trong-nguoi-o-vung-kho-20201216215223541.htm

Bạn đang đọc bài viết "Cô giáo trẻ đam mê sự nghiệp ‘trồng người’ ở vùng khó" tại chuyên mục Giáo Dục.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục