Đối phó chứng đau cứng cổ buổi sáng

25/11/2020 07:33

Thật là kinh khủng khi thức dậy vào buổi sáng với cái cổ đau cứng. Có rất nhiều lý do có thể gây ra tình trạng này. Phòng ngừa thế nào và xử lý tình trạng đau cứng cổ ra sao là sự quan tâm của khá nhiều người.

Tại sao bị đau cứng cổ khi ngủ dậy?

Việc tìm ra nguyên nhân của tình trạng đau cứng cổ khi ngủ dậy buổi sáng sẽ giúp cho việc phòng ngừa tốt hơn. Có thể nguyên nhân là một hoặc gồm vài yếu tố sau đây:

Do gối đầu: Bạn nên biết tầm quan trọng của chiếc gối đầu với một giấc ngủ ngon. Nếu nó quá cao, cổ của bạn sẽ bị đẩy về phía trước. Nếu nó quá mỏng, cổ của bạn sẽ rơi quá sâu.

Do tư thế ngủ: Một số người có thói quen nằm sấp, đồng nghĩa với việc bắt buộc phải quay cổ sang một bên gây áp lực đáng kể lên cổ.

Thoái hóa khớp: Các khớp ở cổ của bạn sẽ lão hóa dần theo tuổi tác và có thể phát triển bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Các triệu chứng có thể bao gồm cứng cổ, đau lan tỏa đến cánh tay, tê tay và chân hoặc cảm giác ngứa ran ở tứ chi.

Dây thần kinh bị chèn ép: Đa số trường hợp nguyên nhân là do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Đây là tình trạng đĩa đệm bị chèn ép dẫn tới lớp vòng sợi bao quanh đứt rách, phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra ngoài.

Các nguyên nhân khác: Ngoài nguyên nhân thường gặp nói trên, có một số nguyên nhân khác có thể làm cổ đau cứng. Chẳng hạn nguyên nhân co cơ, có thể xảy ra khi bạn làm việc và bắt cơ cổ vai gáy chịu quá nhiều áp lực trong thời gian dài; tương tự bạn có thể bị căng cơ gây do stress. Đau cơ xơ hóa là một rối loạn liên quan đến đau khớp và đau cơ, có thể gây ra đau cứng cổ.

 chứng đau cứng cổ

Cách khắc phục

Khi bị đau cứng cổ, bạn có thể theo dõi tình trạng này tại nhà nếu chỉ đau cứng cổ đơn thuần không kèm các triệu chứng khác. Một số biện pháp sau đây có thể áp dụng để giảm nhẹ tình trạng này:

Nghỉ ngơi: Dấu hiệu cổ đau cứng có thể chỉ ra rằng nó đã làm việc quá sức. Vì vậy, hãy để cổ của bạn được nghỉ ngơi khi có thể.

Kéo giãn cơ: Nếu ngủ dậy bị đau cứng cổ, bạn có thể thực hiện vài động tác kéo giãn nhẹ nhàng. Trước khi thực hiện kéo giãn cơ, nên đắp khăn nóng hoặc tắm nước nóng trước khi bắt đầu để máu lưu thông tốt hơn tại vùng bị đau. Cách kéo giãn đơn giản như sau: Quay đầu từ từ sang phải. Sử dụng tay phải của bạn để tạo áp lực nhẹ lên cằm, đẩy nhẹ đầu để di chuyển thêm một chút. Giữ vị trí này trong 15-20 giây và sau đó từ từ quay đầu trở lại điểm ban đầu. Lặp lại động tác ở phía bên trái.

Cúi đầu từ từ cho đến khi cằm chạm vào ngực hoặc gần nhất có thể. Thư giãn vai, hai tay xuôi bên thân. Giữ trong 15-20 giây. Lặp lại vài lần.

Nghiêng đầu sang vai phải hết mức có thể. Giữ đầu ở vị trí này trong 20 giây. Lặp lại động tác phía bên trái.

Nằm ngửa trên gối. Hơi nâng đầu lên và nhẹ nhàng gật đầu như thể nói có. Giữ tư thế này trong 15 giây. Hạ đầu xuống và thư giãn. Lặp lại 8-10 lần.

Mát-xa cổ: Có thể tự xoa bóp khu vực cổ. Chỉ cần đảm bảo sử dụng áp lực nhẹ nhàng và dừng lại ngay nếu cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn. Để giãn cơ cổ trong trường hợp cơ bị căng có thể bổ sung magiê trong khẩu phần.

Phòng ngừa đau cứng cổ

Chọn gối phù hợp: Chọn một chiếc gối phù hợp nhất với tư thế bạn thường ngủ. Nếu bạn thường ngủ nghiêng, cần một chiếc gối sẽ giữ đầu bạn ở tư thế ngang bằng với cột sống. Nếu bạn ngủ với tư thế ngửa, bạn cần một chiếc gối không khiến cổ bị gấp về phía ngực. Có thể ngủ mà không có gối trong một thời gian ngắn, đặc biệt là sau khi bạn ngồi làm việc quá lâu khiến đau cứng cổ.

Đảm bảo nệm chất lượng tốt: Một tấm nệm quá cũ có thể sẽ ảnh hưởng không tốt cho cổ và cột sống của bạn. Hãy thay đệm khi nó trở nêm quá cứng hoặc quá lún.

Tránh ngủ úp sấp: Thói quen ngủ sấp có thể từ khi còn nhỏ và thay đổi không phải là điều dễ dàng. Các biện pháp để thay đổi thói quen này như nhờ người thân nhắc nhở, ngủ với gối ôm để luyện tư thế ngủ nghiêng...

Giữ tư thế đúng: Tư thế khi ngồi học tập, làm việc sai có thể gây áp lực lên vùng cổ vai gáy và gây đau cứng cổ sau khi thức dậy. Tư thế cúi đầu khi chơi điện thoại thông minh, máy tính bảng có thể dẫn tới đau cứng cổ ở người trẻ tuổi. Vì vậy nên chú ý giữ tư thế đúng để phòng ngừa đau cứng cổ.

BS. Nguyễn Quân
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/doi-pho-chung-dau-cung-co-buoi-sang-n183101.html

Bạn đang đọc bài viết "Đối phó chứng đau cứng cổ buổi sáng" tại chuyên mục Bệnh thường gặp.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục