Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình đoạt giải
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen cho các tác giả đạt giải Nhất.
Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học, các nhà công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn, đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Năm 2019, tham gia giải thưởng có 93 công trình thuộc 6 lĩnh vực khoa học - công nghệ ưu tiên: Cơ khí - tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Hội đồng giám khảo đã xem xét, đánh giá và chọn trao giải thưởng cho 40 công trình, gồm 5 giải Nhất, 8 giải Nhì, 8 giải Ba và 19 giải Khuyến khích.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã quyết định trao giải WIPO cho công trình đoạt giải Nhất trong lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 11 tác giả là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của các công trình đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2019.
Ban tổ chức cũng tặng Bằng khen cho 12 đơn vị và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức giải thưởng.
Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã phát động Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2020.
5 giải Nhất bao gồm:
Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa: Công trình “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công khoan hạ cọc ống thép phù hợp với điều kiện thi công ở khu vực đảo Trường Sa” của tác giả Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý và các cộng sự Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.
Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới: Công trình “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường (gọi tắt là dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng)” của tác giả Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp RIAM (Bộ Công Thương).
Lĩnh vực công nghệ vật liệu: Công trình “Nghiên cứu, cải tạo thiết bị điện phân kiểu near gap sang zero gap nhằm gia tăng công suất và giảm chi phí sản xuất xút” của tác giả Thạc sĩ Văn Đình Hoan và các cộng sự - Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì.
Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống: Công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội” của tác giả Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự - Công ty cổ phần Phân bón PHITOHOOCMON (Giải WIPO).
Lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: Công trình “Hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ lụt và vận hành hồ chứa nước” của tác giả Thạc sĩ Văn Phú Chính và các cộng sự - Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC).