Tôi có nên ngừng mát-xa cho bé vào mùa đông không?
Nếu bạn giữ phòng đủ ấm, mát-xa vẫn sẽ là hoạt động nên được thực hiện, vừa có lợi cho cả bạn và bé.
Mát-xa bé giúp cải thiện tuần hoàn và một số người tin rằng, nó thậm chí còn giúp nâng cao hệ miễn dịch của bé. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định điều này.
Trước tiên, phải đảm bảo tay bạn thật ấm trước khi bắt đầu mát-xa cho bé. Như vậy, bé sẽ không bị rùng mình vì cái chạm tay lạnh giá từ bạn. Bạn cũng có thể làm ấm loại dầu mát-xa sẽ dùng. Hãy chắc chắn rằng, dầu sẽ có độ ấm vừa phải, chứ không nên quá nóng. Nếu không, nó có thể làm cho bé bị bỏng. Bạn có thể thử bằng cách thoa ít dầu lên khuỷu tay hoặc phía bên trong cổ tay bạn.
Nên dùng loại dầu mát-xa nào cho bé vào mùa đông?
Nhiều bà mẹ thay đổi loại dầu mát-xa cho phù hợp với thời tiết, thường là chuyển từ dầu dừa - được tin là có tác dụng làm mát - sang dầu mù tạt - được tin là có tác dụng giữ ấm. Nghiên cứu chỉ ra rằng, dầu mù tạt có thể làm tổn thương lớp bảo vệ của da, khiến da dễ bị khô và bị kích ứng hơn.
Dầu mù tạt đã được sử dụng từ lâu tại Ấn Độ. Không có nhiều tài liệu ghi chép về tác dụng phụ của nó, có lẽ bởi dầu mù tạt thường được rửa trôi khỏi cơ thể sau một lần tắm. Nhưng nếu bé của bạn có làn da khô hoặc nhạy cảm, bị chàm hay bất cứ dạng ban đỏ nào khác, tốt nhất không dùng dầu mù tạt cho bé. Thay vào đó, bạn có thể thử một loại dầu êm dịu hơn với da nhạy cảm như dầu (khoáng chất) dành cho bé loại không mùi hoặc dầu dừa.
Nếu bạn vẫn nhất định dùng dầu mù tạt, hãy đảm bảo rằng, sau khi mát-xa, bạn sẽ đưa bé đi tắm và rửa sạch toàn bộ lượng dầu vừa thoa lên da bé. Nếu bạn thường mát-xa cho bé sau khi tắm, bạn có thể chọn một loại dưỡng da dành cho trẻ sơ sinh hoặc kem dưỡng ẩm y tế do bác sĩ kê đơn. Các sản phẩm không mùi được cho là phù hợp nhất với làn da khô hoặc nhạy cảm.
Làm thế nào để giữ ấm cho bé trong lúc tắm vào mùa đông?
Trước khi tắm, hãy chắc chắn rằng phòng tắm được giữ đủ ấm. Bạn có thể sử dụng bất cứ loại thiết bị làm nóng nào để nhiệt độ phòng tắm ở mức dễ chịu. Sau đó, chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi cho bé vào chậu tắm. Tắm nhanh cho bé, thời gian không quá 5-10 phút.
Dùng nước ấm, sao cho khi nhúng khuỷu tay hoặc phía trong cổ tay vào, bạn cảm thấy dễ chịu, không đến mức nóng là được. Nếu bạn có nhiệt kế đo nước tắm, nhiệt độ lý tưởng là khoảng 38 độ C - vốn gần với thân nhiệt. Dùng một lượng nhỏ dung dịch làm sạch da bé loại êm dịu nếu muốn, hoặc bạn có thể dùng nước bình thường.
Trẻ sơ sinh không bị bẩn nhiều bởi vì trẻ vẫn chưa di chuyển và tiếp xúc với những đồ quanh bé. Vì vậy, nếu bạn chỉ muốn tắm cho bé vài lần/tuần cũng được – như vậy là đủ để giữ bé sạch sẽ. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn thường xuyên lau sạch vùng đóng bỉm của bé bằng khăn ướt dành cho trẻ sơ sinh không mùi. Phân bé nhớt hơn so với người lớn nên chỉ dùng nước không thôi thì không đủ để loại bỏ chất cặn bám trên da bé.
Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên lau sạch nếp gấp ở vùng cổ bé. Sữa bị rớt/bé trớ ra có thể đọng lại ở đây. Hãy dùng khăn mềm ướt hoặc loại khăn ướt không mùi dành cho bé sơ sinh để làm sạch da cổ cho con.
Khi con bạn đã bắt đầu lẫy, ngồi, bò và ăn thực phẩm thô, bé có thể sẽ bị bẩn hơn và cần được tắm thường xuyên hơn. Nếu bạn không thích con nhúng ướt toàn thân vào những ngày vô cùng lạnh giá, bạn có thể tắm cho bé bằng bông tắm bọt biển. Lau sạch từng phần cơ thể bé rồi lau khô trước vùng đó trước khi chuyển sang vùng tiếp theo để giúp bé luôn được ấm áp.
Loại quần áo nào thích hợp nhất với bé vào mùa đông?
Có quá nhiều lựa chọn về quần áo mùa đông cho bé và việc này có thể khiến bạn hoang mang. Nếu thời tiết lạnh, tốt nhất là mặc cho bé nhiều lớp áo. Bằng cách này, bạn có thể thêm hoặc bớt khi cần. Nguyên tắc số 1 là luôn có nhiều hơn 1 lớp quần áo so với những gì bạn đang mặc cho bé.
Bạn có thể sử dụng áo dài tay mặ trong cho bé hoặc bộ liền quần bên dưới lớp áo dài tay. Bạn có thể khoác ngoài một chiếc áo len được làm từ chất liệu mềm nhưng ấm, ví dụ flannel hoặc lông cừu. Luôn nhớ rằng, da bé nhạy cảm hơn da bạn. Nếu bạn để ý da con bị mẩn đỏ, kích ứng ở vị trí lớp lông áo chạm vào, hãy sử dụng loai vải mềm để giữ ấm cho bé. Luôn mặc một lớp áo trong cùng bằng vải cotton hoặc loại vải mềm, có khả năng thấm hút tốt. Một số chuyên gia khuyên rằng, không nên dùng len nếu bé bị chàm bởi nó có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Găng tay hở ngón, một chiếc mũ và đôi bốt/ủng sẽ giữ đầu, tay, chân bé luôn ấm. Một lần nữa, nếu con bạn có làn da khô hoặc bị mẩn đỏ, chỉ dùng loại vải mềm như cotton hay flannel.
Cách tốt nhất để giữ cho trẻ sơ sinh đủ ấm vào ban đêm là quấn bé bằng một chiếc chăn ấm. Bạn có thể quấn bé cho tới khi bé 2 tháng tuổi. Dùng loại chăn được làm từ cotton dày, flannel hoặc lông cừu.
Ngay cả trong thời tiết lạnh giá, việc quấn chăn có thể làm tăng nguy cơ bé bị nóng quá bởi trẻ sơ sinh chưa thể điều hoà thân nhiệt một cách thành thạo. Nếu bé có vẻ lạnh, hãy ôm bé ở gần cơ thể bạn, nhờ đó, hơi ấm từ bạn sẽ giúp bé điều hoà thân nhiệt của mình.
Khi bé được 2 tháng tuổi trở lên, bạn nên ngừng quấn bé bởi vì bé có thể giãy giụa tay chân và mắc kẹt trong tấm chăn khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn. Thay vào đó, đắp cho bé một chiếc chăn.
Nếu trẻ ngủ cũi, cách tốt nhất để giữ ấm là đặt bé sao cho chân bé chạm sát thành cũi. Như vậy, bé không thể nhích xa thêm nữa. Sau đó, đắp chăn cho bé, mép chăn được nhét bên dưới đệm cũi ở cả 3 phía. Mặt chăn còn lại giữ ở ngang ngực bé và 2 tay bé để ở ngoài chăn. Không trùm phủ gì lên mặt và đầu bé, như vậy, bé có thể thở dễ dàng và không bị quá nóng.
Bạn cũng có thể tìm mua một chiếc túi ngủ ấm dành cho bé sơ sinh. Đây là lựa chọn tốt nếu con bạn có xu hướng quẫy đạp nhiều trong khi ngủ.
Trong nỗ lực giữ cho con đủ ấm, hãy cẩn thận để không mặc cho bé quá nhiều đồ. Trẻ sơ sinh có thể dễ dàng đổ mồ hôi và mất nước khi ở trong căn phòng nhiều đồ đạc và ngột ngạt hoặc do mặc quá nhiều quần áo. Tình trạng quá nóng dễ dẫn tới mất nước. Do đó, hãy quan sát và nhận biết dấu hiệu bé bị nóng quá mức, bao gồm:
- Bé đổ mồ hôi
- Tóc bé ẩm ướt
- 2 má bé đỏ hồng
- Da bé bị nổi ban đỏ
- Hơi thở nhanh
Bảo vệ bé khỏi các căn bệnh mùa đông như thế nào? Ảnh: Tinygentleasians) |
Bảo vệ bé khỏi các căn bệnh mùa đông như thế nào?
Bạn sẽ không thể bảo vệ con khỏi mọi virus hoặc vi trùng luôn hiển diện trong môi trường xung quanh. Nhưng có một số việc bạn có thể làm để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cho bé:
- Tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách cho con bú mẹ đều đặn. Nhờ tác dụng của sữa mẹ, bé sẽ ít bị ốm hơn và nếu có bị, cũng hồi phục nhanh hơn trong năm đầu đời, nhất là khi bạn cho bé bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng. Cùng với kháng thể được giải phóng vào sữa mẹ, cơ thể bạn cũng sẽ tạo ra những kháng thể mới ngay khi bạn tiếp xúc với bệnh nhiễm trùng mới. Do đó, ngay cả khi con bị cảm, ngay lúc bạn tiếp xúc với vi-rút cảm từ con, hệ miễn dịch của bạn sẽ lập tức hành động. Kháng thể từ cơ thể bạn sau đó được truyền qua sữa, sẵn sàng để bé tiếp nhận vào lần bú tới.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đảm bảo tất cả những người chăm sóc bé đều làm như vậy. Đây là cách đơn giản nhất mà hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng cảm, cúm. Ngoài ra, phải chắc chắn rằng bạn rửa tay trước và sau khi thay tã cho bé.
- Do phần lớn bệnh mùa đông lây truyền qua đường ho, hắt hơi và tiếp xúc trực tiếp, hãy giữ con bạn tránh xa người bị ốm và không tới những nơi đông người.
- Đảm bảo cho bé được tiêm vắc-xin theo đúng lịch cập nhật, nhằm bảo vệ con khỏi những căn bệnh nguy hiểm. Bác sĩ nhi có thể kê loại vắc-xin cúm mùa cho bé, để ngăn ngừa nguy cơ mắc 2-3 chủng virus cúm phổ biến nhất vào mùa đông.
- Nếu bạn hoặc chồng bạn hút thuốc, tốt nhất hãy bỏ thuốc lá và không đưa bé tới nơi có người hút thuốc. Trẻ sơ sinh sống với người hút thuốc bị ho nhiều hơn, dễ mắc cảm hơn, cũng như các bệnh lây nhiễm khác so với trẻ không tiếp xúc với khói thuốc lá.
Khi nào tôi nên đưa con đi gặp bác sĩ nếu bé bị ốm?
Mặc dù cảm thông thường, có thể gây cảm giác căng thẳng, lo lắng, bạn không nhất thiết phải đưa con đi khám bác sĩ ngay. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cần cảnh giác và lời khuyên dành cho bạn là tìm kiếm trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.
- Bé kéo tai hoặc khóc như thể bị đau dù không có lý do rõ ràng. Những dấu hiệu này có thể cho thấy, bé bị viêm tai.
- Nếu bé thở khò khè hoặc khó thở, đây cũng có thể là dấu hiệu bé bị mắc bệnh đường hô hấp do dị ứng hoặc do nhiễm trùng vì vi khuẩn/vi-rút.
- Bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi và bị sốt 38 hoặc trên 38 độ C, hoặc nhỏ hơn 6 tháng tuổi và sốt từ 39 độ trở lên.