Hơn nửa thế kỷ cụ Ngọc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Quê cụ Ngọc ở vùng trung du dưới dãy Trường Sơn, đất đai vốn bạc màu, những năm chiến tranh càng thêm khắc nghiệt. Ngoài 20 tuổi, cụ phải bỏ xứ đi mưu sinh, dạt vào tận vùng núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) xin phát rẫy cao su thuê cho chủ đất.
Một thời gian, cuộc sống xứ người đưa cụ đến vùng biên giới Việt - Lào, rồi đến Campuchia làm thuê cho một chủ đất người Khơ-me. Tại đây, sau một thời gian làm việc, cụ biết người chủ đất tuổi ngoài bát tuần là một thầy thuốc cao tay. Ông thầy người Khơ-me này tinh thông y thuật, chữa trị được các loại bệnh như gai cột sống, thần kinh tọa, gân khớp.
“Nhiều lần chứng kiến ông chủ chữa bệnh, tôi vô cùng thán phục và mong muốn được học nghề để có thể về lại quê hương giúp đỡ bà con. Quê tôi đất đai cằn cỗi, người dân quanh năm vất vả mà chỉ đủ sống qua ngày. Chính vì làm lụng quá sức mà nhiều người mắc các bệnh về xương khớp, gai cột sống, thần kinh tọa… Nhiều trường hợp vì điều kiện khó khăn nên chẳng thể vào bệnh viện điều trị, vì thế tôi muốn học bài thuốc của ông chủ để về chữa trị cho người dân quê mình”, cụ Ngọc cho biết.
Sau nhiều lần đắn đo, cụ Ngọc đánh bạo xin ông chủ truyền nghề dù biết nghề thuốc gia truyền không dạy cho người ngoài. Quả như vậy, người thầy thuốc từ chối với lý do đó là nghề bí truyền.
Tuy vậy, cụ vẫn không từ bỏ ý định học nghề thuốc. Hàng ngày, sau khi xong công việc đồng áng, cụ xin ông chủ cho phụ những công việc lặt vặt liên quan đến việc chữa bệnh. Lúc rảnh rỗi, cụ lại xin ông chủ cho đọc sách y học. Một thời gian sau, nhìn được tấm lòng thiện tâm của cụ Ngọc nên người thầy thuốc này quyết định nhận học trò để truyền nghề.
Cụ Ngọc đang giác hơi, cắt lễ cho người bệnh.
Sau 5 năm miệt mài chăm chút từng khâu, từng lời truyền dạy của thầy, cụ Ngọc mới thành nghề. Sau đó, cụ được thầy cho về quê nhà chữa bệnh cứu người như ước nguyện ban đầu của mình. Trước khi ra về, người thầy Khơ-me đã trao cho cụ Ngọc cuốn sách y học vô cùng quý báu.
Trở về quê nhà với cuộc sống khốn khó, cái đói cái nghèo đeo bám nhưng cụ vẫn một lòng nuôi ý nghĩ chữa bệnh cứu người. Lúc đầu, cụ chỉ chữa bệnh cho những người thân trong gia đình, bà con họ hàng, người dân ở địa phương. Sau ngày đất nước giải phóng, tay nghề của cụ được nhiều người biết đến hơn. Người bệnh trong và ngoài tỉnh Bình Định tìm đến chữa bệnh rất đông.
Trong cuộc đời chữa bệnh cứu người của mình, cụ Ngọc không nhớ nổi đã chữa bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, sau khi được cụ chữa khỏi bệnh, nhiều người đã quay lại cảm ơn rối rít.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Toàn (41 tuổi, ngụ thôn An Lạc, xã Mỹ Hòa) bảo, giữa năm 2014, anh phải đóng tiệm sửa xe máy vì đau đến độ không thể gập được lưng. Nhưng sau khi được cụ Ngọc điều trị một tháng, anh không những trở lại với nghề sửa xe máy, mà còn gánh lúa, vác đá như chưa từng có bệnh. Từ khi khỏi bệnh, anh rất quý mến tài đức của cụ Ngọc nên xin được làm cháu ngoại cụ. Anh thường xuyên đến nhà cụ thăm chơi như con cháu trong nhà.
“Hồi ấy, ngoại chữa bệnh cho tôi nhưng không lấy một đồng nào cả. Nhờ có ngoại tôi mới khỏi bệnh, mới tiếp tục làm nghề sửa xe để lo cho gia đình. Tôi luôn cầu nguyện cho ngoại được khỏe mạnh để tiếp tục cứu người”, anh Toàn tâm sự.
Anh Hiếu khỏi bệnh nhờ 10 thang thuốc của cụ Ngọc.
Năm 7 tuổi, trong một lần bị sốt, anh Nguyễn Văn Hiếu (40 tuổi, ngụ thôn An Lạc 1, xã Mỹ Hòa) bị teo 2 chân. Dù vậy, lớn lên anh cũng may mắn có được người vợ hiền và đến nay đã có 2 đứa con. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, 2 khớp gối của anh bỗng dưng đau nhức, vận động rất khó khăn, các khớp cứng về buổi sáng, làm anh rất khó chịu.
“Vợ tôi chở tôi đến nhà thầy Ngọc thăm khám. Không giống như nhiều người bệnh khác, tôi không cần phải giác, lễ mà chỉ uống đúng 10 thang thuốc sắc là khỏi bệnh cho tới bây giờ. Điều mà tôi cảm mến thầy Ngọc đó là tấm lòng nhân hậu. Thầy chỉ lấy tiền cho có lệ, chứ không lấy đúng tiền như số thuốc bốc cho tôi. Thầy là ân nhân của người nghèo như chúng tôi”, anh Hiếu cho biết.
Không chỉ vậy, nhiều người nghèo ở xa tìm đến nhà cụ Ngọc chữa bệnh và được cụ sẵn sàng giúp đỡ miễn phí về chỗ ăn, chỗ nghỉ. “Khi thầy tôi truyền nghề đã nói rằng, làm nghề này không phải để làm giàu mà chủ yếu là để làm phúc. Người dân mình còn nghèo, bình thường đã khổ, vì thế khi họ bị bệnh tôi thương họ lắm”, cụ Ngọc chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện, cụ Ngọc không giấu nghề mà xởi lởi chia sẻ với chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm về việc chữa trị các căn bệnh xương khớp từ bài thuốc nam của mình. Thông thường, người bị xương khớp, ban đầu được cụ giác hơi, cắt lễ để gân cơ giãn ra, khí huyết lưu thông, giải tỏa cơn đau.
Sau đó, cụ dùng bài thuốc gồm có các thành phần như: thuốc võ (một bài thuốc cổ truyền dùng trong võ thuật), thạch tín, mã tiền, rễ cây bí cẩn… để đắp lên rồi dùng than hơ nóng bên trên. Khi thuốc nóng lên sẽ thấm vào cơ thể giúp giảm cơn đau và điều trị căn bệnh.
Sau khi đắp thuốc, cụ Ngọc sẽ đưa cho người bệnh bài thuốc nam để về sắc uống với tổng cộng 12 vị. Trong đó, có các vị cơ bản là bạch đầu nam, bạch đầu nữ, mắc ó, mỏ quạ, trinh nữ, phóng huyết… Đây cũng chính là một trong số các bài thuốc nam mà ngày xưa cụ Ngọc học được của người thầy Khơ-me. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh cụ thể, cụ Ngọc có những sự điều chỉnh thành phần vị thuốc, liều lượng cho phù hợp. Đây là cái khó, mà cũng là cái hay của bài thuốc cổ xưa cụ Ngọc may mắn lĩnh thụ được.
Anh Tuấn kiểm tra vị thuốc đang phơi ngoài sân.
Ngoài bài thuốc nam để sắc uống, cụ Ngọc còn đưa cho người bệnh bài thuốc ở dạng bột, được bào chế từ công thức bí truyền. Theo cụ Ngọc, người bị bệnh xương khớp thì hầu hết xương khớp đã bắt đầu thoái hóa. Bài thuốc có tác dụng tái tạo chất nhờn khớp gối và cột sống. Thuốc còn nuôi dưỡng sụn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng cường sức mạnh liên kết cơ, gân, sụn khớp. Bài thuốc này được bảo quản trong từng bịch nhỏ, người bệnh theo đó chỉ cần pha với nước nóng uống hàng ngày, xen lẫn với việc uống thuốc nam sắc từ 12 loại thảo mộc.
Khoảng 8 năm trở lại đây, phụ cụ Ngọc làm thuốc hàng ngày là người con trai út Trần Văn Tuấn (46 tuổi). Đây là niềm mong mỏi của cụ khi không muốn bài thuốc mà mình tâm huyết bị thất truyền.
Khi làm người “kế nhiệm”, anh Tuấn theo cha vào rừng, lên núi để tìm thuốc. Thời gian đầu, cụ Ngọc chỉ dẫn cho anh từng loại cây một và tác dụng của nó trong phương thuốc chữa bệnh. Một năm sau, anh Tuấn quen với từng loại cây nên cụ Ngọc không đi cùng nữa. Bây giờ, anh thuê thêm vài thanh niên ở địa phương để cùng mình đi tìm thuốc. Hiện tại, anh đã lĩnh hội được hết bài thuốc và đang cùng với cha chữa bệnh cứu người.