Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo chia sẻ tại Hội thảo
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài nhấn mạnh, hiếm có trang phục truyền thống dân tộc nào góp phần vào hành trình tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như áo dài của Việt Nam. Trong số 13 di sản tại Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có tới 7 di sản liên quan đến áo dài. Đó là Quan họ, Ca trù, Hát xoan, Ví, giặm, Nhã nhạc Cung đình Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đều sử dụng trang phục truyền thống áo dài hoặc áo tứ thân trong quá trình biểu diễn.
Đưa di sản văn hóa áo dài đến gần hơn với giới trẻ
Bà Vân cho rằng, sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo liên quan đến áo dài, nhưng chúng ta đã “lãng phí” khi chưa giới thiệu, quảng bá đúng mức di sản văn hóa đến công chúng và du khách. Khách quốc tế đến Việt Nam du lịch chưa có nhiều cơ hội để trải nghiệm, thưởng thức giá trị của áo dài gắn liền với từng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Trong khi đó, giới trẻ trong nước ngày càng bỡ ngỡ khi tiếp cận với các di sản về áo dài.
Giới thiệu đến thế hệ trẻ nghề may áo dài truyền thống của dân tộc
Theo đó, hội thảo và triển lãm chủ đề “Áo dài và di sản văn hóa” nhằm nhìn nhận một cách toàn diện hơn về vai trò của áo dài trong quá trình trình diễn các di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di sản đã được UNESCO vinh danh. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp để đưa tà áo dài truyền thống và các di sản văn hóa ngày càng đến gần hơn với công chúng, kết hợp với định hướng phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch bền vững.
Các bạn trẻ tham quan triển lãm “Áo dài và di sản văn hóa”
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện Du lịch (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM), để hấp dẫn và thu hút du khách, ngành du lịch cần tạo ra sự khác biệt về sản phẩm. Muốn có sự khác biệt, bên cạnh những sáng kiến mới, yếu tố tạo nên chỗ đứng nổi bật và khác biệt của mỗi sản phẩm du lịch là quay về với các giá trị văn hóa cội nguồn. Đó là “tài sản” làm nên sự khác biệt mà không ai có thể bắt chước hay thay thế được. Ngược lại, du lịch không chỉ là bên khai thác văn hóa cội nguồn đơn thuần mà còn giữ vai trò làm sống lại văn hóa cội nguồn của các dân tộc. Vì thế, cần hành động kịp thời, phát huy kho tàng di sản văn hóa án dài để xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế. Đây cũng là bước đi phù hợp trong việc gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế.