Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 20/8: Việt Nam có tổng cộng 654 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay:ghi nhận 514 ca.
- Tính từ 18h ngày 19/8 đến 6h ngày 20/8: 1 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh.
Thông tin về các ca mắc mới: 01 ca mắc mới (BN994):
CA BỆNH 994 (BN994) tại Hà Nội: bệnh nhân nam, 87 tuổi, có địa chỉ tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Ngày 11/8, bệnh nhân khởi phát bệnh và ngày 12/8 đi khám tại Bệnh viện E, sau đó về nhà người thân tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Ngày 13/8, bệnh nhân nhập viện khoa Gan mật, Bệnh viện E. Bệnh nhân được chụp CT có viêm phổi và chuyển khoa Bệnh nhiệt đới.
Ngày 18/8, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm và có kết quả bệnh nhân dương tính vào ngày 19/8.
Hiện bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 83.644, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.887
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.294
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 60.981
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này có 533 bệnh nhân/994 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.
Tính đến sáng ngày 20/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 33 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 36 ca, số ca âm tính lần 3 là 29 ca.
Số ca tử vong là 25. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...
Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh dương tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 có liên quan đến Bệnh viện E, ngay trong đêm ngày 19/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã làm việc khẩn với Bệnh viện E về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện.
Theo đó từ 20h tối nay, Bệnh viện E tạm dừng tiếp nhận, khám chữa bệnh, áp dụng nội bất xuất, ngoại bất nhập, không cho bệnh nhân xuất viện cũng như nhân viên y tế đang ở bệnh viện không được về nhà để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, việc dừng tiếp nhận của Bệnh viện E là một quyết định đúng đắn. Ngay trong đêm nay, bệnh viện phải xây dựng phương án nếu trường hợp đóng cửa, bệnh nhân và y, bác sĩ sẽ phải cách ly như thế nào. Bệnh viện phải xây dựng các phương án chống dịch, cách ly, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nếu phải đóng cửa bệnh viện.
Vì thế, đề nghị Bệnh viện E cần phải rà soát lại toàn bộ những trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở các khoa bệnh nặng, quyết liệt không để người nhà vào chăm sóc. Tại những khu bệnh nhân nặng phải tuyệt đối cách ly, phân luồng để giữ an toàn tại đây.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ điều tra dịch tễ bệnh nhân trên Phú Thọ. Qua điện thoại trực tiếp tại buổi làm việc ở Bệnh viện E với đồng chí Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ vào lúc gần 22h, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê thông tin, hiện giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cùng nhiều đơn vị chức năng liên quan đã có mặt ở Thanh Ba- nơi bệnh nhân sinh sống để họp bàn các biện pháp phòng chống dịch
"Đây cũng là nhóm giải pháp quan trọng để có thể truy vết người tiếp xúc gần với trường hợp này trước khi đến Bệnh viện E thăm khám"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.