Qua tìm hiểu, hai lò than tại thôn Dlâm và và thôn Ia Chă Wâu đã tồn tại nhiều năm nay. Khoảng cách giữa lò than với UBND xã Chư A Thai, trạm y tế và trường học khoảng 1 km.
Nhiều hộ dân phản ánh lò đốt than củi hoạt động, gây ô nhiễm khói, bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng trăm hộ dân trong xã. Đáng nói, các lò đốt than tại đây đều không có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật; lò được xây dựng trên đất trồng lúa.
Cơ sở lò than tại Chư A Thai
Lò than được làm gần UBND xã Chư A Thai và Trạm Kiểm Lâm mà các cơ quan này vẫn mặc nhiên trước những hành vi sai trái này là điều mà dư luận khó hiểu?
Ông N.V.T cho biết: "mỗi cơ sở xây từ 6 đến 10 lò, mỗi lò tiêu tốn khoảng 5 khối gỗ/tuần sẽ ra được 50 bao than, các loại gỗ được đốt là cành điều, gỗ cao su thì ra than ít và nhẹ nên không sử dụng đốt than, vậy nên nguồn than họ sử dụng chủ yếu là gỗ rừng khai phá lậu.
Bà N.T.V cho biết thêm: "khách hàng tiêu thụ là mối buôn từ Hồ Chí Minh, Bình Định và các tỉnh khác. Trung bình mỗi tháng đốt 4 mẻ, 1 mẻ đốt thời gian là 1 tuần. Tỷ lệ trung bình mất 5 ký đến 10 ký củi đốt ra 1 ký than. Giá mỗi ký than từ 6.000 đồng đền 8.000 đồng/ký".
Vì những lợi nhuận lớn thu về từ nguồn gỗ phá rừng thu mua rẻ mạt với giá giao động từ 400.000VNĐ/tấn đến 800.000VNĐ/tấn. Những đống gỗ cao su và cành điều chỉ là "làm màu" để cho có nhằm đối phó cơ quan chức năng kiểm tra, lượng gỗ đốt lấy than chính là gỗ rừng. Mỗi năm các chủ lò than thu lợi nhiều tỷ đồng vượt mặt các cơ quan chức năng.
Bỏ ngoài trách nhiệm gây ra ô nhiễm môi trường, các chủ lò than đang cố tình tiếp tay cho lâm tặc phá rừng để có những số lượng gỗ nhiều về đốt lò.
Câu chuyện đốt lò, góp sức phá hủy môi trường đang diễn ra tại nơi đây thì các cơ quan chính quyền địa phương nói gì về trách nhiệm quản lí? Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
Chí Bình - Trọng Quyên