Ảnh minh họa. Nguồn internet
Giám đốc Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia - ông Trevor Drew cho biết nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIRO) Australia đã tiến hành thử nghiệm xem virus SARS-CoV-2 tồn tại bao lâu trên các bề mặt như bông, giấy, thép không gỉ, thủy tinh và nhựa vinyl.
Theo Giáo sư Drew, các thiết bị màn hình cảm ứng như điện thoại di động, máy ATM, quầy thanh toán tự phục vụ ở siêu thị và quầy làm thủ tục ở sân bay là những bề mặt cảm ứng có thể không được làm sạch thường xuyên, theo đó gây ra nguy cơ lây nhiễm. Giáo sư Drew cho biết: “Điều quan trọng là phải nắm rõ loại virus này có thể tồn tại trong bao lâu, để chúng ta biết cần phải thường xuyên tẩy trùng các đồ vật ra sao và các bề mặt tiếp xúc tiềm ẩn những nguy cơ nào”.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 có thể tồn tại trong không khí trong tối đa 3 giờ và trên bề mặt nhựa và thép không gỉ trong tối đa 3 ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia cho thấy virus tồn tại nguyên vẹn trên hầu hết các bề mặt trong khoảng 6 đến 7 ngày, trước khi bắt đầu mất hiệu lực. Giáo sư Drew nhấn mạnh: “Chúng tôi đã phát hiện ra rằng thậm chí sau hai tuần, vẫn còn rất nhiều virus tồn tại trên các bề mặt đó và có khả năng lây nhiễm sang con người. Từ đó, chúng tôi có thể suy ra rằng ngay cả bộ đồ ăn trong nhà hàng cũng là một nguồn lây nhiễm tiềm ẩn, do dao hay kéo thường được làm bằng thép không gỉ".
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại hơn một tháng trên một số bề mặt như thủy tinh và tiền giấy (thời gian tồn tại trên tiền giấy lâu hơn trên tiền polymer). Theo Tiến sĩ Debbie Eagles - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia, những phát hiện mới này là đáng lo ngại khi chúng cho thấy virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn các loại virus khác như cúm (chỉ tồn tại vài ngày), hoặc thậm chí là cả các chủng virus corona khác.
Với kết quả nghiên cứu trên, các chuyên gia cho rằng ngoài khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc trực tiếp với người mắc COVID-19, con người vẫn có thể bị nhiễm bệnh nếu chạm vào bề mặt có virus SARS-CoV-2 tồn tại và thậm chí có khả năng nuốt phải virus này. Do đó, chúng ta cần thường xuyên sử dụng khăn lau và dung dịch rửa tay tẩy trùng, hạn chế chạm vào các bề mặt, đồng thời bỏ thói quen đưa tay lên mặt.
Tiến sĩ Eagles cũng cho biết nếu một người bị nhiễm COVID-19 hắt hơi hoặc ho gần một chiếc điện thoại, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên chiếc điện thoại đó trong một thời gian dài, nếu chiếc điện thoại không được khử trùng đúng cách. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với thiết bị thanh toán thẻ và các phương tiện giao thông công cộng.
Bệnh cạnh đó, các nhà khoa học Australia cũng đã thử nghiệm tác động của nhiệt độ và phát hiện ra rằng ở điều kiện nhiệt độ lạnh, virus SARS-CoV 2 càng tồn tại trên bề mặt lâu hơn. Điều này cũng có nghĩa là khi thời tiết trở nên mát và lạnh hơn, các quốc gia có khả năng phải đối mặt với sự bùng phát của COVID-19 cao hơn. Giáo sư Drew cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhiệt độ có ảnh hưởng rất sâu sắc đến virus, nếu nhiệt độ giảm xuống khoảng 6 độ C, tuổi thọ của virus có thể kéo dài gấp 10 lần”.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện trên có thể giải thích sự bùng phát của COVID-19 liên quan các cơ sở chế biến thịt và kho lạnh. Trong thời gian qua, một số cơ sở sản xuất thịt và cửa hàng bán thịt ở bang Victoria của Australia đã trở thành các ổ dịch COVID-19 lớn. Sự tái bùng phát các ca nhiễm COVID-19 gần đây ở New Zealand cũng được cho là có liên quan đến việc bảo quản thực phẩm đông lạnh.
Tiến sĩ Eagles cho biết nhiệt độ lạnh ở môi trường làm việc có thể là một yếu tố gây ra các ổ dịch, bên cạnh các nguyên nhân khác như tiếp xúc gần hay không sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân.