Phố cổ Hà Nội được biết đến là di sản đô thị với 36 phố phường buôn bán sầm uất, gắn liền với các nghề truyền thống; nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử, nhiều lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Câu chuyện bảo tồn, tôn tạo và phát huy phố cổ Hà Nội được nhắc đến nhiều năm qua, vừa để gìn giữ di sản quý, vừa khai thác phát triển du lịch và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân. Dẫu vậy, chưa cần đặt vấn đề phát huy giá trị di sản, chỉ cần nhắc đến việc bảo tồn phố cổ, thì nơi này còn rất nhiều vấn đề đáng bàn, cần sự vào cuộc mạnh của chính quyền địa phương và sự hợp lực của nhiều cơ quan liên quan.
Ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây. Ảnh: TTXVN
Nâng chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích hơn 82 ha, với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố. Không gian kiến trúc phố cổ là tổng hòa nhiều phong cách, từ truyền thống Việt Nam, Trung Hoa, kiến trúc châu Âu (Địa Trung Hải, Art Deco, Alpes), hiện đại… song cơ bản thống nhất về nhịp điệu, khối công trình. Phần lớn các công trình nhà ở có không gian hình ống với các lớp công trình, có sân trong giếng trời xen kẽ và mái dốc lợp ngói. Điển hình là Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây được quận Hoàn Kiếm trùng tu, nhằm bảo tồn kiểu kiến trúc truyền thống này. Tuy nhiên, điều ai cũng có thể nhận thấy khi đi qua khu phố cổ là kiến trúc nhiều ngôi nhà truyền thống bị thay bằng các ngôi nhà cao tầng hiện đại, lạc lõng giữa không gian cổ kính ở các dãy phố. Nếu trước kia, khi nhắc đến tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” gắn với mặt hàng đặc trưng được gia công, kinh doanh tại đây thì hiện nay, các phường nghề, phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội đã dần biến mất. Thay vào đó là các cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu, thủ công truyền thống, ẩm thực, khách sạn, văn phòng công ty…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tú Quyên, Khoa Quy hoạch Đô thị - Nông thôn thuộc Đại học Kiến trúc Hà Nội, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất trong bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội hiện nay là, việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một.
Vì vậy, việc nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội là vấn đề không đơn giản và thực hiện không thể trong thời gian ngắn. Không thể kỳ vọng việc quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan sẽ tương đồng như phố cổ Hội An vì mỗi nơi có một đặc thù riêng. Nhưng điều quan trọng là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý để có những cải thiện nhất định về không gian, kiến trúc cảnh quan.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì vai trò của người dân sống trong khu phố cổ rất quan trọng. Việc tuyên truyền bảo vệ các giá trị văn hóa phố cổ, đặc biệt là kiến trúc của khu phố cổ cho người dân là cần thiết. Để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi kinh tế và quyền lợi xã hội của chính họ với công việc bảo vệ. Vì vậy, cần có cơ chế xã hội hóa cho việc bảo vệ và khai thác các ngôi nhà cổ. Bên cạnh đó, cần có những chương trình đánh giá tác động của hoạt động và phát triển du lịch đến các giá trị kiến trúc khu phố cổ Hà Nội để có kế hoạch phân bổ hợp lý và giảm thiểu những tác động bất lợi.
Giãn dân khu phố cổ
Phố Tạ Hiện. Ảnh: Hiền Anh/Báo Tin tức
Diện tích nhỏ hẹp, mật độ dân số đông, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một trong những yếu tố tác động, làm biến đổi hình thái không gian, kiến trúc cảnh quan phố cổ Hà Nội. Mỗi địa chỉ nhà ở phố cổ Hà Nội có thể đến 6 – 7 hộ dân cùng sinh sống, cá biệt có thể tới vài chục hộ cùng chen nhau ở. Bản thân người dân cũng than sống khổ trong những căn hộ chật chội, thiếu ánh sáng nhưng để chuyển đi nơi khác thì không đơn giản.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Thị Toàn, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội khóa X, XI: Giảm dân số cùng với việc giãn dân đang là yêu cầu tất yếu để đảm bảo tốt nhất cho công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cao chất lượng sống và cải thiện môi trường, cơ sở hạ tầng chất lượng đô thị, góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa truyền thống của khu phố cổ Hà Nội.
Câu chuyện giãn dân phố cổ được đặt ra từ năm 2002 nhưng mãi đến năm 2012, thành phố Hà Nội mới phê duyệt đề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội. Mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, nhằm giảm mật độ dân số từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha. Để phục vụ việc giãn dân phố cổ, thành phố đã bố trí khu đất tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Tuy vậy, dự án này tiếp tục điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và thay đổi cơ chế đầu tư. Để triển khai được dự án, quận Hoàn Kiếm đang chờ UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết định điều chỉnh cơ chế đầu tư xây dựng dự án giãn dân phố cổ.
Nhưng thực tế cũng cho thấy, việc giãn dân khu phố cổ Hà Nội, dù được quận Hoàn Kiếm tạo điều kiện tốt nhưng nhiều người vẫn muốn bám trụ lại do điều kiện kinh doanh thuận lợi, vị trí ngay trung tâm. Trong các dự án đã thực hiện, có khoảng 100 hộ chủ yếu sống trong các di tích, trường học, cơ quan là quá ít. Trước thực trạng này, quận Hoàn Kiếm vẫn quyết tâm thực hiện đề án giãn dân phố cổ để bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ, cải thiện cuộc sống người dân.
Bà Trần Thúy Lan, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của quận thời gian tới là thực hiện có hiệu quả Đề án giãn dân phố cổ sang khu nhà ở giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng; đồng thời hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để quản lý khai thác đối với các diện tích nhà, đất của các hộ dân đã di chuyển.
Khu phố cổ Hà Nội không chỉ là di sản quý, mà còn là trọng điểm du lịch Thủ đô với khoảng 60% du khách khi đi du lịch khu vực phía Bắc đều đến tham quan phố cổ. Việc bảo tồn, tôn tạo tốt phố cổ Hà Nội sẽ là điều kiện để phát triển mạnh du lịch, thu hút khách đến với Thủ đô; đồng thời là cơ sở đề nghị xét tặng danh hiệu cao hơn danh hiệu Di tích quốc gia như hiện nay.