Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc, Cà Mau. Ảnh: Lê Chí
Tại 7 tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, dân cư tại hầu hết các làng ven biển đều có tín ngưỡng thờ cá Ông, tức cá Voi hay "Nam Hải Ðại tướng quân", từ đó lập nên nhiều lăng thờ Ông nổi tiếng. Ðơn cử, tại Bạc Liêu có lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Gành Hào, lăng Ông Duyên Hải ở huyện Hòa Bình; tại Cà Mau có lăng Ông Sông Ðốc; Kiên Giang có lăng Ông Nam Hải ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải; Bến Tre có lăng Ông Nam Hải, huyện Thạnh Phú... Mỗi lăng Ông thường có bàn thờ Ông Nam Hải tại chánh điện. Hai bên là xương cá Voi được bọc bằng vải đỏ. Ngoài ra còn có bàn thờ Tả ban và Hữu ban; có lăng thờ cả Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền, Ngũ hành, Lang Lại đại tướng quân (Rái cá). Mỗi lăng có ngày lễ hội nghinh Ông được định thời gian tùy theo tập tục ở địa phương hoặc ngày Ông lụy (ngày người dân phát hiện cá Voi mắc cạn và đưa vào bờ).
Thông thường, lễ hội nghinh Ông ở Tây Nam Bộ bắt đầu từ lúc rạng sáng ngày diễn ra lễ. Người ta bày lễ vật gồm heo quay, gà vịt, xôi, bánh trái, hương đăng trà quả lên hương án trước lăng Ông. Ðến giờ hành lễ, Ban tế tự thắp nhang thực hiện nghi thức tế lễ, châm trà rượu dâng lên Thần, hai bên bàn hương án gồm có học trò lễ và một số người hóa trang binh tôm tướng cá. Tế xong, Ban tế tự thỉnh lư hương lên kiệu để đến cầu cảng, sau đó chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên tàu đã được chuẩn bị.
Ði đầu là tàu của Ban tổ chức, Ban tế tự, gồm một tàu đực và hai tàu cái kết lại thành đoàn. Theo sau là hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ hoa, neo đậu ken đặc dưới bến sông. Tàu đi đầu có trọng tải lớn, được trang trí công phu, lộng lẫy nhất. Trên tàu có kết hoa, treo cờ, bàn hương án và bài vị thủy tướng, dàn nhạc và một số người biết hát múa ăn mặc chỉnh tề, hướng thẳng ra biển. Ra tới cửa biển, nhiều tàu khác tiếp tục nhập vào đoàn. Hàng trăm đến hàng ngàn tàu đủ mọi kích cỡ, công suất, kiểu trang trí tạo ra khung cảnh sống động cả một vùng cửa biển rộng lớn. Hàng ngàn người đủ mọi sắc áo trên boong tàu vẫy cờ hoa.
Trong khi đó, trên bờ, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nhạc nổi lên rộn rã. Trên đường diễu hành, nếu gặp cá Ông phun nước thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi, khi ra đến địa điểm đã định thì dừng lại. Vị chủ lễ mặc áo dài đen, chít khăn, chân đi hài, ra lệnh gióng ba hồi trống, rồi làm lễ dâng hương, dâng rượu, đọc sớ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển nhiều tôm cá, sau đó làm lễ xin keo. Xin được keo tức là đã gặp Ông và rước về. Tại lăng sẽ tiếp tục diễn ra các nghi lễ cúng bái đến tận khuya.
Tiếp theo là lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, đọc văn tế, học trò lễ dâng hương, thức cúng làm từ thịt gia súc, gia cầm là chính. Lễ chánh tế bắt đầu từ 12 giờ đêm cùng ngày. Thức cúng thường là một con heo trắng, hai mâm xôi đắp cao, có cả rượu và trà, có học trò lễ dâng hương và tấu nhạc(1).
***
Như vậy, bên cạnh tế lễ tại lăng, cư dân vùng biển Tây Nam Bộ còn dong thuyền ra biển cả để thực hiện nghi thức nghinh Ông. Biển ở đây đã trở thành không gian linh thiêng tự nhiên. Nghi thức này ngoài việc thể hiện lòng kính trọng, biết ơn, cầu mong sóng yên biển lặng, mùa vụ bội thu; còn thể hiện thái độ của cư dân với thế giới tự nhiên: sống hòa hợp và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với thiên nhiên. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là một trong những cách ứng xử cho thấy sự trân trọng thiên nhiên của con người. Việc chọn những không gian tự nhiên làm nơi mở lễ hội hằng năm chính là một trong những cách ứng xử như thế của con người(2).
Với cư dân ÐBSCL, ngư trường Tây Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong đời sống và hoạt động kinh tế. Biển không chỉ nuôi sống cư dân mà còn giúp con người làm giàu lên từ biển. Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác thuộc nông ngư nghiệp thì nghề thì biển nguy hiểm hơn rất nhiều vì phần lớn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và sức người thì vô cùng nhỏ bé trước biển cả. Khi gặp bất trắc trên biển, thất thu là chuyện không đáng kể so với mạng sống bị đe dọa. Chính điều này đã hình thành nên tín ngưỡng sùng bái cá Voi - với những truyền thuyết về Ông nâng đỡ thuyền bè mỗi khi biển động - từ đó hình thành lễ hội nghinh Ông. Vì vậy, trong mỗi lần lễ hội, hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ chở theo lễ vật tiến thẳng ra biển, tới nơi đã định, thuyền thả neo để chủ tế tiến hành cúng thần biển, cá voi, binh tôm tướng cá, đến khi tin rằng Ông đã chứng giám qua việc thấy Ông nổi lên phun nước thì thuyền mới quay về; nếu đợi lâu không thấy Ông thì người ta tiến hành xin keo, xin được thì quay thuyền về lăng tiếp tục các nghi thức cúng tế tiếp theo.
Ðây là hình thức tạ ơn biển, tạ ơn các đấng siêu nhiên qua hình ảnh Ông đã giúp cho sóng yên biển lặng, ngư dân có cuộc sống an lành, tôm cá đầy khoang và hy vọng Ông tiếp tục phù hộ họ trong những chuyến hải trình tiếp theo. Việc chọn biển khơi làm nơi tổ chức lễ hội vừa minh chứng cho sự gắn bó giữa con người với thế giới tự nhiên, vừa thể hiện sinh động quan niệm vạn vật hữu linh. Bởi từ khi sinh ra con người đã được thế giới tự nhiên che chở, bao bọc và nuôi dưỡng; nên con người chọn các địa điểm trong tự nhiên làm không gian linh thiêng để thờ cúng và mở lễ hội cũng nhằm tạo ra sự hòa đồng, tạo cơ hội cho thế giới tự nhiên gần gũi, thân thiết hơn với con người. Từ đó, thông cảm, thấu hiểu những nguyện vọng và sự cầu xin của con người hơn.
Cùng với sự phát triển của xã hội, những địa điểm tự nhiên đó được con người tác động thêm bằng việc xác định các quần thể kiến trúc thờ cúng, tạo ra một không gian linh thiêng ổn định hơn, nghiêm trang hơn. Nhưng tất cả những địa điểm tự nhiên đó bắt nguồn từ ý thức hồn thiêng sông núi mà dân gian quen gọi là "âm phù dương thế", các lực lượng siêu nhiên, các vị thần cùng con người xác định và bảo vệ cuộc sống(3).
Tóm lại, biển Tây Nam Bộ không chỉ là ngư trường truyền thống của cư dân ÐBSCL hàng trăm năm qua, mà còn là không gian linh thiêng tự nhiên giúp ngư dân trong vùng bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng siêu nhiên đã bảo hộ và che chở cho họ, cầu mong những những chuyến hải trình tiếp sau được thuận buồm xuôi gió. Lễ hội nghinh Ông là ngày hội lớn của ngư dân vùng biển đảo, vừa thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, vừa thắt chặt sự đoàn kết trong cộng đồng.
—————
(1) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.97-99.
(2) Hoàng Lương (2011), Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam các tỉnh phía Bắc, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.46-47.
(3) Hoàng Lương, Sđd, tr.50-51.