Nghệ sĩ Nhân dân Lý Huỳnh - cha tài tử Lý Hùng - qua đời sáng 22/10 sau thời gian bệnh nặng. Nghệ sĩ Bạch Tuyết bàng hoàng khi biết tin vì hội ngộ ông ở một sự kiện cách đây chưa lâu. Bà nói: "Ông là nhân tài của làng phim trong nước. Nhắc đến ông, tôi nhớ ngay vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy, nhân vật đã trở thành kinh điển, đi vào lòng nhiều thế hệ khán giả".
Năm 1982, Lý Huỳnh làm nên bất ngờ lớn ở phim Vùng gió xoáy (1982) của đạo diễn Hồng Sến bằng vai chính diện. Bởi trước đó, ông gặt hái thành công qua loạt vai phản diện. Phim nói về những năm đầu cải tạo nông nghiệp, chính quyền địa phương bắt dân hợp tác xã một cách miễn cưỡng nhưng rốt cuộc chỉ mang lại đói nghèo. Hai Lúa - lão nông hào sảng, đậm chất miền Tây, dành trọn tình yêu cho đồng ruộng - của Lý Huỳnh được xem là "đại biểu" nói lên tiếng lòng dân nghèo thời ấy. Ông thấy cách làm ăn của hợp tác xã không hiệu quả, quyết không để rơi vào cảnh đói nghèo, ông ở ngoài làm ruộng cá thể.
Khi đạo diễn Hồng Sến đến nhà giao kịch bản, ông lo lắng. Kinh qua hàng chục vai ác, Hai Lúa là vai hiền đầu tiên ông đảm đương. Ông từng cho biết: "Tôi giãy nảy, từ chối vì sợ diễn không quen. Hồng Sến nói cứ đọc kịch bản đi đã rồi ra về. Hôm đó, tôi miệt mài đọc đến hai giờ sáng". Sau, ông xin đạo diễn đi thực tế ba tháng để lấy kinh nghiệm nhập vai.
Năm đó, Lý Huỳnh 38 tuổi, là võ sư nổi tiếng Sài Gòn, mở nhiều lò đào tạo học trò. Về Long An, ông lột xác thành lão nông 60 tuổi, mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, uống rượu đế, hút thuốc rê. Ông tập đánh xe ngựa, cưỡi trâu, bắt chước tướng đi của người chuyên làm ruộng hay cách ngồi rút một chân lên ghế. Những hình mẫu nông dân ngoài đời được ông nghiên cứu để từ đó rút thành một Hai Lúa với vẻ ngang tàng nhưng vẫn chất phác.
Không chỉ thay đổi ở vẻ ngoài, ông thật sự sống như một người nông dân. Ông đảm nhận những cảnh nguy hiểm mà không cần cascadeur. Trong phim có đoạn Hai Lúa diễn với con trâu chứng. Đạo diễn Hồng Sến thuê thêm một con trâu khác, cột cách đó khoảng 100 mét. Hai con vật nghênh chiến khi Lý Huỳnh phải đứng giữa chúng. Ở cảnh khác, ông chạy theo nắm đuôi con trâu đang nổi cơn điên giữa đồng. Hàng trăm người dân xem ông quay tại bối cảnh, ai nấy đều lắc đầu, lè lưỡi vì sự gan dạ của Lý Huỳnh. Ở một cảnh, Hai Lúa ngồi trên xe ngựa đang chạy, thấy người bạn gặp nạn liền nhảy xuống dốc núi, rồi nhảy tiếp xuống mặt đất để cứu người từ độ cao gần 10 m. Đạo diễn muốn quay dạng one-shot (không cắt cảnh) nên Lý Huỳnh phải tự đóng cảnh này. Nếu nhảy không trúng đích, ông chắc chắn bị thương nặng. Nhờ quen tập võ, thân thủ nhẹ nhàng, ông nhảy một phát "ăn" ngay.
Vai diễn đem lại cho Lý Huỳnh giải thưởng lớn trong sự nghiệp - Diễn viên nam xuất sắc trong Liên hoan phim toàn quốc năm 1983. Khán giả yêu nhân vật Hai Lúa đến mức coi đó là hình ảnh biểu tượng của chốn quê hương, miệt vườn. Cái tên Hai Lúa từ đó nổi tiếng khắp nơi, đi sâu vào đời sống hàng ngày. Một dạo về miền Tây, đâu đâu cũng đặt tên quán ăn là Hai Lúa. Sau này, Lý Huỳnh còn được nhớ đến với vai chính diện khác - ông Hai Cũ trong phim cùng tên cũng của đạo diễn Hồng Sến.
Hơn 50 năm trong nghề, Lý Huỳnh có hơn 50 vai diễn đa thể loại, từ phim hành động, tình cảm đến những tác phẩm điện ảnh cách mạng. Đam mê võ thuật từ bé, đến thập niên 1970, sau khi thành danh trong làng võ, ông tạo dựng được tên tuổi với loạt phim hành động. Thời ấy, phim hành động Đài Loan, Hong Kong thu hút khán giả. Biết ông là võ sư tên tuổi, nhiều hãng phim mời cộng tác. Ông dần gây chú ý qua nhiều tác phẩm trước năm 1975, như Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt quyền đạo, Thăng long đệ nhất kiếm, Hải vụ 709... Theo nghệ sĩ Diệu Hiền - "đệ nhất đào võ" một thời, ông là người đầu tiên ở Việt Nam thành công khi đưa yếu tố võ thuật lên màn ảnh rộng. Với ông, đóng phim hành động không chỉ là trình diễn những thế võ đơn điệu, mà phải đi vào tâm lý nhân vật để vai diễn có chiều sâu hơn.
Sau năm 1975, ông càng thành công hơn với dòng phim chiến tranh - cách mạng, cộng tác với loạt đạo diễn lừng danh như: Khương Mễ, Hải Ninh, Hồng Sến, Huy Thành... Vóc dáng cao lớn, gương mặt "dữ" với chòm râu quai nón, ông được mời vào vai đại tá Hoàng - một sĩ quan chế độ cũ trong phim Cô Nhíp (1976) của đạo diễn Khương Mễ. Sinh thời, đạo diễn Khương Mễ chọn Lý Huỳnh cho vai đại tá Hoàng bởi thấy được ở ông tài diễn xuất, nhất là phong thái của những nhân vật phản diện. Từ đây, ông thừa thắng xông lên với loạt vai: tướng Bách (Đứa con bị từ chối), Long "râu" (Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (Ngọn lửa Krông Jung), đại úy Long (Mùa gió chướng), Đinh Ba Búa (Mối tình đầu - diễn cùng cố nghệ sĩ Thế Anh) và nhất là vai trung úy Xăm gian ác trong phim Hòn đất.
Những năm 1990, ông là một trong tên tuổi đầu tiên đổ tiền của, tâm sức làm phim tư nhân. Loạt phim mang thương hiệu Lý Huỳnh, như Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Phạm Công - Cúc Hoa, Nước mắt học trò... tạo nên cơn sốt phòng vé Việt những năm mới bước vào nền kinh tế thị trường. Ông còn kết nối với các đoàn làm phim bom tấn nước ngoài. Báo giới một thời từng ngạc nhiên khi ông mời được Trần Chí Hòa - đạo diễn phim Kế hoạch A do Thành Long đóng, Lê Tư, Mạc Thiếu Thông... sang Việt Nam. Những phim ông hợp tác cùng Hong Kong, Đài Loan, như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng trên màn ảnh cuối thập niên 1990.
Ở tuổi xế chiều, Lý Huỳnh vẫn dồn tâm huyết cho dòng phim dã sử. Ông mong được phục dựng hình tượng các nhân vật anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung - Nguyễn Huệ... và đưa lên màn ảnh rộng. Mỗi lần xem phim dã sử của Trung Quốc, Hàn Quốc, ông thường ngậm ngùi, cho rằng nước nhà đáng lẽ phải có những siêu phẩm về phim lịch sử không kém các nước. Năm 2010, ông mạnh dạn chi 12 tỷ đồng vào tác phẩm Tây Sơn hào kiệt - phim về anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược.
Sau khi phim ra rạp cũng là lúc sức khỏe ông yếu dần. Ngoài 70 tuổi, ông nhiều bệnh tim, thận, tiểu đường. Mỗi khi di chuyển, ông phải ngồi xe lăn, thi thoảng khỏe hơn thì chống gậy, nhờ vợ con dìu bước. Lý Hùng nói cha anh vẫn còn nhiều dự án nung nấu với điện ảnh nước nhà, song lực bất tòng tâm. Ông đành gác lại hào khí một thuở, tận hưởng cuộc sống yên vui bên người vợ tào khang và các con.
Cuối đời, hạnh phúc của ông là thỉnh thoảng chống gậy thăm hỏi các bạn diễn một thời. Mỗi năm, ông luôn là người sớm nhất đến chúc Tết các nghệ sĩ gạo cội ở Viện dưỡng lão (quận 8). Nghệ sĩ Thiên Kim nói: "Nhưng Tết sắp tới và nhiều năm sau nữa, viện sẽ vắng đi một bóng dáng quen thuộc, một người bạn với nụ cười hóm hỉnh, chân tình".