Người tốt - Kẻ xấu ở V-League 2020

11/11/2020 17:15

Sài Gòn FC giúp V-League có diện mạo đáng lạc quan, trong khi thái độ thi đấu của HAGL tiếp tục khiến các nhà tổ chức phải đau đầu.

Trong 14 đội dự V-League 2020, Sài Gòn là cái tên đặc biệt. Nếu 13 đội còn lại đều được xem là đại diện của một thực thể như địa phương hay doanh nghiệp, thì đội bóng của Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành hầu như độc lập, ngay cả với nơi họ đang đóng quân - TP HCM. Tại đây, CLB TP HCM vẫn được xem là "con đẻ", trong khi không thấy bóng dáng các ông chủ thật sự của Sài Gòn ngay cả những lúc họ thăng hoa nhất.

Sài Gòn kết thúc ở vị trí thứ ba. Dù không thể vô địch, đó vẫn là thành tích tốt thứ ba trong số các kết quả mà bóng đá TP HCM đạt được gần 20 năm nay, chỉ sau thành tích á quân của CLB TP HCM mùa 2019 và bằng vị trí của Sài Gòn Xuân Thành năm 2012. Còn với lịch sử non trẻ của Sài Gòn, đây là một bước tiến, cho thấy họ đang đúng lộ trình dù vừa thay đổi chủ sở hữu hồi đầu mùa. Chỉ riêng sự ổn định đó đã rất đáng nể, nếu xét về nội lực hiện tại của đội bóng này.

Sài Gòn FC (áo hồng) là hiện tượng tích cực của V-League 2020. Ảnh: Lâm Thỏa

Sài Gòn FC (áo hồng) là hiện tượng tích cực của V-League 2020. Ảnh: Lâm Thỏa

Sài Gòn không có bề dày kinh nghiệm và chiều sâu lực lượng như Hà Nội FC, cũng không sở hữu dàn cầu thủ chất lượng hay khả năng đầu tư không giới hạn của Viettel. Nhưng, họ đã đẩy cuộc đua vô địch đến những đoạn cao trào nhất. Ngay khi kết thúc giai đoạn I, dù đứng đầu bảng, người ta đã nhìn thấy cơ hội vô địch của Sài Gòn rất nhỏ. Sự lệ thuộc quá lớn vào cặp ngoại binh Pedro – Geovane khiến Sài Gòn trở thành một phiên bản bị lỗi Gạch Đồng Tâm Long An ngày nào. Đội bóng do Henrique Calisto dẫn dắt khi đó từng hai lần vô địch nhờ công thức phòng ngự - phản công với các bàn thắng của ngoại binh, nhưng ít ra họ vẫn có Tài Em – Minh Phương là những ngôi sao của đội tuyển Việt Nam. Sài Gòn hiện tại thì không. Trong 30 bàn của họ, có đến 20 bàn của hai ngoại binh - xem như Sài Gòn đã phơi bày điểm yếu của họ trước mọi đối thủ.

Nhưng đó lại là điểm đáng khen của đội bóng này. Hầu như không có vũ khí bí mật nào cả, lối chơi nặng tính phòng thủ của họ khiến lượng khán giả trung bình đến sân Thống Nhất cũng thấp nhất V-League với chưa đầy 3.000 người mỗi trận. Nhưng đội bóng do ông Vũ Tiến Thành dẫn dắt có tới tám vòng giữ đỉnh bảng. Rõ ràng, mỗi vòng đấu là một lần cố gắng của Sài Gòn. Có thể sức lực không đủ để duy trì khả năng cạnh tranh, nhưng không ai nghi ngờ tinh thần của họ.

Trong vai "người tốt", Sài Gòn đem đến những điều lạc quan cho V-League, vốn đã nằm trong tầm ảnh hưởng của Hà Nội quá lâu. Sài Gòn từng thuộc quyền sở hữu của bầu Hiển, nhưng ngay năm đầu tiên chuyển giao sang nhóm nhà đầu tư mới, họ cố gắng thoát khỏi mối quan hệ đó nhanh nhất có thể. Họ lấy ba trong sáu điểm tối đa từ Hà Nội, bốn trong sáu điểm trước Hà Tĩnh, cũng như với Quảng Ninh. Họ chỉ hòa Quảng Nam và thua Đà Nẵng, những đội bị cho là trong nhóm "5 đánh 1". Các chi tiết này như đem đến một sự giải thoát cho V-League. Bởi theo lý thuyết, "các đội bóng của bầu Hiển" từ con số năm, bây giờ chỉ... còn bốn, sau khi Quảng Nam xuống hạng. Bên cạnh đó là việc xuất hiện thêm một CLB có tiềm năng để trở thành ứng viên vô địch.

Nếu xem đây là năm đầu tiên tham dự V-League của một Sài Gòn thuộc các ông chủ mới, thì lộ trình của họ ít nhiều cũng khiến người ta liên tưởng đến một Đồng Tâm Long An ngày nào. Cách xây dựng đội bóng, sự quen thuộc của lối chơi mà ông Vũ Tiến Thành áp dụng nhờ một thời gian làm trợ lý cho HLV Calisto trước đây. Ngay cả những cầu thủ như Bùi Trần Vũ, Tấn Tài hay Cao Văn Triền cũng mang dáng dấp của những anh chàng "hai Lúa chơi bóng" đầy nhiệt tình và đam mê của "Gạch" ngày trước. Nếu giữ được những gì đang có, cùng với Viettel, Sài Gòn hoàn toàn có thể tạo ra đối trọng mới cho "Hà Nội và những người anh em".

HAGL (áo trắng) thua tới sáu trong bảy trận ở giai đoạn II V-League 2020. Ảnh: Chính Hà

HAGL (áo trắng) thua tới sáu trong bảy trận ở giai đoạn II V-League 2020. Ảnh: Chính Hà

Nếu Sài Gòn đóng vai "người tốt", thì có thể ví von HAGL là bên phản diện. Đội bóng của bầu Đức đã có giai đoạn I đạt thành tích thi đấu tốt nhất kể từ năm 2015, khi lứa cầu thủ U19 được đôn lên đội một. Điều đó cho phép họ trụ hạng rất sớm để chơi thứ bóng đá tốt nhất có thể. Nhưng, sau đó họ lại trải qua giai đoạn II tồi tệ nhất trong lịch sử CLB, với chỉ ba điểm qua bảy trận. Thành tích của HAGL chỉ hơn Hà Tĩnh, một đội bóng tân binh.

Những gì HAGL thể hiện khiến người ta phải nghĩ đến tuyên bố "đá cho vui" của bầu Đức. Vấn đề là chẳng ai hiểu tại sao phải thế? Năng lực của HAGL chẳng khác gì Sài Gòn, khó mà vươn đến chức vô địch, tức là chẳng bị áp lực gì vả, vậy thì việc gì không tận dụng bảy trận đấu đầy tính cạnh tranh của giai đoạn II để giúp cầu thủ tiến bộ về chuyên môn. Không phải thi đấu quốc tế, không chịu áp lực thành tích, hoàn toàn có thể đá bảy trận "chung kết" theo cách của Sài Gòn để ít nhất một lần biết rõ mình đứng ở đâu?

Nhưng, HAGL đã để lại một dư bị đắng nghét ở phần cuối hấp dẫn của V-League 2020. Cũng chẳng thể trách các cầu thủ, bởi có thể năng lực của họ chỉ đến thế, không "chịu" nổi các trận cầu lớn. Tuy nhiên, tinh thần thi đấu có phần bạc nhược đó khiến V-League bị tổn thương, và gây ra những thiệt hại nặng nề hơn cho chính HAGL. Đây là mùa giải tệ nhất về khả năng ghi bàn của họ, khi trong 27 bàn được ghi cả mùa, không có Tuấn Anh, Xuân Trường, Minh Vương, còn Nguyễn Văn Toàn chỉ có năm bàn... Phong độ đó liệu có đủ để đưa họ lên tuyển quốc gia khi V-League đã xuất hiện những người con người tốt hơn cả về chuyên môn lẫn tinh thần ở Viettel, Sài Gòn...?

Duy Tuyên
Nguồn vnexpress.net

Bạn đang đọc bài viết "Người tốt - Kẻ xấu ở V-League 2020" tại chuyên mục Tin thế giới.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục