Nhớ thời cơm cháy

17/12/2020 09:57

Giữa nhịp sống đủ đầy, tiện nghi, bao của ngon vật lạ, đôi lúc nhớ lắm những món ăn dân dã, bình dị ngày ấu thơ bên gian bếp cũ lụp xụp, tường gạch bao quanh, lủng lẳng thúng mủng, lấm lem bồ hóng, muội than nhưng lại luôn là điểm thu hút, hấp dẫn mỗi đứa trẻ khi về tới nhà với cái bụng đã đói mèm. Nhớ nhất cái thời cơm cháy nấu bằng nồi gang từ chum gạo bố kê cao bằng bốn viên gạch bên vách bếp cho khỏi ẩm mốc.

Những bữa cơm gạo mới, là chắt chiu là tinh túy của trời đất, của bao giọt mồ hôi. Những hạt cơm trắng dẻo, thơm, ngọt bùi, ngon đến hạt cơm cháy nồi chứa đựng cả những buồn, vui, tiếng cười giòn giã của tuổi thơ trong veo vô lo, vô nghĩ.

Ngày đó, mỗi bữa cơm, anh em tôi háo hức nhất là khi đã ăn hết phần cơm trắng, được mẹ phần nắm bằng tay cho nắm cơm cháy dưới đáy nồi. Cơm được nấu bằng bếp củi, nồi gang, dày và giữ nhiệt tốt nên bữa cơm nào cũng có lớp cơm cháy dày, vàng ruộm, giòn tan. Nắm từng nắm chim chim, hoặc cứ thế để từng miếng, chấm hay rắc trên ít muối vừng giã nhỏ, cắn từng miếng, nghe trong miệng hương thơm mùi cháy cạnh, vị bùi của muối vừng. Cầm nắm cơm thong thả, nha nhẩn thưởng thức như một phần thưởng của mẹ, đứa nào cũng khấp khởi, ăn dè từng miếng để được lâu. Đặc thù của chiếc nồi gang nấu bên bếp củi là khi nào cũng có cháy, không cháy nồi thì cháy cạnh. Nên được mùa thì lớp cháy dày, còn những ngày giáp hạt thì ăn cháy cạnh quanh nồi cũng thấy ngon.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Bây giờ, cơm cháy trở thành món đặc sản. Nhưng không phải là thứ cơm cháy được nấu bằng nồi gang bên bếp than rực lửa mà là những bịch cơm cháy ép mỏng từ cơm chín bằng chảo không dính trên bếp cho cháy vàng hoặc chiên giòn lên ăn kèm chà bông đủ loại làm món ăn vặt bình dân. Sang trọng hơn là cơm cháy trong nhà hàng được nấu bằng niêu ăn cùng kho quẹt. Nhưng dù ngon đến đâu vẫn không thể có được mùi vị như nấu bằng nồi gang trên bếp lửa đượm than hàng của mẹ năm xưa.Củi chất đầy bên trong chiếc kiềng ba chân, lửa đun to cho tới khi cơm sôi thì bớt lửa. Cơm nồi gang muốn ngon, dẻo ngoài việc đổ nước đủ độ thì khi đun lửa phải cháy đều. Khi cơm bắt đầu cạn nước, mẹ rút bớt củi chỉ để lớp than hồng rực lửa. Nhờ vậy, phần cơm phía trên chín tới mềm mại, dẻo thơm, còn lớp cơm cháy phía dưới vàng đều vừa độ, có màu như mật ong chứ không bị quá lửa chuyển sang màu nâu đen. Nhớ nhất là những ngày mưa phùn, gió bấc của mùa đông, nồi cơm đặt gần bếp lửa, vì không cầm lòng được, mà mẹ rủ lòng thương, “tạm ứng” trước cho mỗi đứa một miếng cơm cháy vừa thổi vừa ăn. Đúng là miếng ngon nhớ mãi, nên khoảnh khắc, những kỷ niệm khi đói lòng đã trở thành những miền nhớ trong trẻo nhất của tuổi thơ.

Mai Linh
Nguồn https://phapluatxahoi.vn/nho-thoi-com-chay-220936.#html

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ thời cơm cháy" tại chuyên mục Ẩm thực 4 phương.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục