Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 12/11: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
- Tính từ 18h ngày 11/11 đến 6h ngày 12/11: 0 ca mắc mới.
Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 70 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 85 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 102 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.540, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 217
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.334
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 989.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.091 bệnh nhân/1.252 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 19 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 11 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Ảnh Lê Phú- TTXVN
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, dhiều qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chống dịch COVID-19 với các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp, 5 đoàn kiểm tra của thành phố đã báo cáo về tình hình thực hiện các biện pháp phòng dịch. Theo đó, các quận, huyện, các khu cách ly đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đáng chú ý, tại các khu tập thể, các điểm công cộng, hầu như người dân không đeo khẩu trang, không có ai kiểm tra. Tại các khu chợ, bến xe chưa xử lý nghiêm việc bắt buộc đeo khẩu trang.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu –nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lưu ý, bối cảnh hiện nay giống như sau đợt dịch cao điểm, bởi khi mùa đông đang đến, các nơi nới lỏng các giải pháp... khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Khẳng định công tác phòng dịch tiếp tục là ưu tiên số 1 và cần thực hiện thường xuyên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị 5 nơi công cộng là: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại và siêu thị, chợ phải bố trí người kiểm soát chặt chẽ, ai không có khẩu trang không cho ra - vào, bố trí điểm bán khẩu trang ngay ở cửa.
Thế giới đã ghi nhận gần 52 triệu người mắc COVID-19
Đến hết ngày 11/11, toàn thế giới đã ghi nhận 51.994.007 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.282.616 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 36.511.250 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 245.965 ca tử vong trong tổng số 10.573.232 ca mắc - chiếm 1/5 tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.524 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước.
Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 822 ca bệnh phát sinh và 2 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh.
Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 11/11.