Đào tạo nghề Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN
Thông tin tại cuộc tọa đàm cho biết, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đây là định hướng quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đến nay, đã có một số công việc được triển khai, đã định hình được những nét cơ bản của Chiến lược.
Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp được coi là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, làm định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian 10 năm tới. Đây là sự tiếp nối của Chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Mục tiêu hướng đến của Chiến lược là hình thành, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững; tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng cho doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Chiến lược cũng hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines), là các quốc gia đạt nhiều thành tích trong giáo dục nghề nghiệp.
Góp ý về các yêu cầu đối với giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng phát triển con người là nền tảng cốt lõi, cũng là mục tiêu cao nhất của phát triển giáo dục-đào tạo, là yếu tố quyết định cho mọi sự phát triển. Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như đầu tư, tư duy quản lý hệ thống và quản trị nhà trường, tư duy đảm bảo chất lượng; đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo, trang thiết bị, chương trình... Các yếu tố này đều là các khâu trọng yếu của giáo dục nghề nghiệp, là nền tảng giúp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp vận hành trơn tru, có tác động lan tỏa đến tăng năng xuất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trên thị trường lao động trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, giải pháp đột phá cần tập trung vào giải quyết các "điểm nghẽn" của hệ thống giáo dục và giáo dục nghề nghiệp; đón bắt được thời cơ, hóa giải thách thức trong quá trình phát triển; phát huy, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh; tạo động lực thúc đẩy phát triển, thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển nguồn nhân lực...
Cho rằng một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là con người, một số ý kiến nhận định trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng chính sách phát triển nhà giáo theo hướng mở, đồng thời tái cơ cấu đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo sự thay đổi của cơ cấu ngành nghề đào tại, ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo có năng lực nghề nghiệp; rà soát, đánh giá thường xuyên công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo.
Các cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp cần có chính sách đặt hàng các trường đại học sư phạm kỹ thuật có thế mạnh về công nghệ, năng lực đào tạo giáo viên; phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu dạy học và vai trò của nhà giáo trong xu thế chuyển đổi số. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động tiếp cận công nghệ chủ chốt và có kế hoạch đầu tư nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ nhà giáo; bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo và thay thế những nhà giáo không đáp ứng yêu cầu; ưu tiên phát triển lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu phù hợp đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.