Tay chân miệng tăng nhanh, rửa tay là cách phòng bệnh quan trọng

12/10/2020 17:01

Hiện đã vào năm học mới, học sinh đến trường, dự báo số mắc tay chân miệng sẽ gia tăng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 38.704 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

So với cùng kỳ năm 2019 (61.226), số mắc cả nước giảm 36,3%, số trường hợp nhập viện giảm 31,4%, so với cùng kỳ giai đoạn 2013-2017, số nhập viện giảm 57,6%. Tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam 21.054 trường hợp (chiếm 54,4%), miền Bắc 12.671 trường hợp (chiếm 32,7%) miền Trung 4.007 trường hợp (chiếm 10,4%) và Tây Nguyên 972 trường hợp (chiếm 2,5%).

Các tỉnh có số mắc tích lũy/100.000 dân cao nhất chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung và miền Bắc: Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Cạn, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long A, Đắk Nông.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại BV Nhi Trung ương.

TS.BS Đỗ Thiện Hải - Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho hay, tay chân miệng không còn là bệnh mới, trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, tuy nhiên cũng rất dễ dẫn đến biến chứng. Hiện là thời điểm có nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Trong khi sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca mắc tăng thì các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc trẻ để tránh dịch chồng dịch.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Dịch tay chân miệng gia tăng sớm hơn mọi năm

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tay chân miệng gặp ở các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ma Cao (Trung Quốc) và phổ biến tại nhiều nước châu Á. Dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến 1 số quốc gia như Malaysia, đã có nhiều cơ sở bao gồm trường học, Trung tâm chăm sóc trẻ và Trường mầm non đã bị đóng cửa do căn bệnh này.

Bộ Y tế Malaysia đã thực hiện các biện pháp y tế công cộng, bao gồm tăng cường giám sát, tổ chức các chiến dịch truyền thông và tăng cường các biện pháp khử trùng, đặc biệt là đồ chơi và bề mặt bị ô nhiễm như sàn, bàn tại các trường học… để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Việt Nam, năm 2020, dịch bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng sớm hơn mọi năm vào tháng 6-7, số mắc cao vào tháng 8; các tuần đầu tháng 9 hiện đang có xu hướng chững lại, trong 2 tuần cuối tháng 9, số mắc tăng nhanh (trung bình trên 3.500 trường hợp mắc/ tuần, tăng nhanh ở cả 4 khu vực, chủ yếu khu vực miền Nam).

Tuy nhiên, hiện đang vào năm học mới, các em học sinh đến trường, dự báo số mắc sẽ gia tăng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Dấu hiệu đặc trưng của TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông...

Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng này, các chuyên gia cho biết, bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.

Bệnh liên quan đến vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng tại các địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo cần tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.

Tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2020-2021. Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng theo quy định của Bộ Y tế...

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Thanh Lam

Bạn đang đọc bài viết "Tay chân miệng tăng nhanh, rửa tay là cách phòng bệnh quan trọng" tại chuyên mục Sức khỏe - Y tế.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục