Cảnh trong vở Đợi đến mùa xuân của Nhà hát Tuổi trẻ.
Vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát kịch Việt Nam, tác giả Lưu Quang Vũ, được đánh giá là khó dựng bởi tính tự sự, triết lý trong lời thoại mà ở đó mỗi nhân vật gói mình trong thế giới nội tâm và cuộc sống riêng, nhưng lại gắn kết nhau để từ một cộng đồng thu nhỏ mở rộng ra là những vấn đề xã hội của một thời và cả đến hôm nay. Chỉ là câu chuyện đời thường của mỗi gia đình, mỗi con người sống trong một căn nhà tập thể thời bao cấp với những bộn bề khó khăn, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép, đưa vào các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống với bao điều tốt, xấu mà không phải lúc nào cũng dễ nhận biết.
Nhân vật trung tâm của vở diễn là Hiệp, một trí thức trẻ tốt bụng, luôn thẳng thắn đấu tranh với cái xấu và sai trái chung quanh, chấp nhận thiệt thòi với niềm tin vào sự thật và những gì là chính đáng, công bằng, vì cộng đồng sẽ thành hiện thực. Anh không ngần ngại phản biện, vạch trần sự dối trá, thói xu nịnh, làm theo cấp trên dù biết là sai, là phản khoa học của người bạn thân, một ân nhân của mình. Cũng chính vì vậy, vẫn biết anh là người tốt, nhưng dưới con mắt của mọi người trong khu tập thể, Hiệp như một kẻ ngược đời, gàn dở. Bi kịch thay, trong một xã hội cái tốt phần nào bị lấn át, Hiệp cũng không thể tránh khỏi bị cuốn vào guồng quay ấy. Khi mẹ người yêu lâm trọng bệnh, cần thuốc đặc trị, anh buộc phải mượn tiền mua thuốc được tuồn từ bệnh viện ra chợ đen. Đàng hoàng không chịu đút lót để được sửa nhà, sửa điện, chính anh lại làm cản trở, gây khó cho việc kiếm thêm, tăng thu nhập của người hàng xóm cho mình mượn tiền. Niềm tin vào cái tốt, vào những điều đúng đắn và sự thật trần trụi khi anh góp phần mang lại nỗi bất hạnh cho người khác khiến người trí thức trẻ rơi vào khủng hoảng. Chỉ đến khi anh rời đi để tiếp tục cuộc kiếm tìm và khẳng định niềm tin của mình, mọi người mới chợt nhận ra sự hẫng hụt bởi những điều tốt đẹp vô tình để mất và thấy rằng cuộc sống này không thể thiếu nó và những người như Hiệp.
Tái hiện cuộc sống một thời gian khó, nhưng không xa lạ với cuộc sống hôm nay, Người tốt nhà số 5 còn lôi cuốn bởi chuyện đời của các gia đình trong cùng khu nhà, phản ánh những vấn đề xã hội, giúp người xem cảm nhận và tự đi tìm cho mình câu trả lời về niềm tin. Đặt trong từng bối cảnh, sự dối trá nhiều khi được che đậy bởi những ngôn từ mỹ miều, những mục đích khoa trương sẽ dễ làm ta ngộ nhận. Hãy là chính mình và nhìn rộng hơn là sự quan tâm đến những người chung quanh, đến những việc làm vì mọi người, vì cộng đồng, không để sự dối trá khoác lên mình tấm áo sự thật và quan trọng hơn cả là phải biết trân trọng, làm lan tỏa nhiều hơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Là vở diễn đầu tay, nhưng đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh đã thể hiện lối dàn dựng khá chắc tay với một sân khấu ước lệ được khai thác triệt để qua cách bài trí đơn giản, sử dụng hợp lý trong từng cảnh huống, về không gian, thời gian, góp phần khắc họa tính cách nhân vật và chuyển tải được ý nghĩa câu chuyện. Không quá cầu kỳ, sân khấu được thiết kế với những khung cửa di động linh hoạt, nhằng nhịt dây đan và màng bọc, gói gọn trong một không gian nhỏ cuộc sống của từng gia đình, từng cảnh đời cá nhân mà ở đó họ bị quấn trong mớ bòng bong của các toan tính, của hoàn cảnh và ham muốn. Họ cố thoát khỏi tấm mạng dính của cuộc mưu sinh mà sao vẫn bị bủa vây, biết trân trọng những điều tốt đẹp nhưng vẫn không thể vượt lên. Trong khi những người tốt như Hiệp, tuy bước qua được những ràng buộc ấy vẫn cảm thấy sự lạc lõng, cô đơn khi muốn làm một người tốt thật sự. Bên cạnh nền âm nhạc và hiệu ứng ánh sáng, đạo diễn đã khéo xử lý, đưa vào những âm thanh bổ trợ trong sinh hoạt đời thường như tiếng đánh máy chữ lạch xạch, tiếng nước dội mái nhà dột nát hay sấm sét, mưa rơi làm sâu sắc thêm cảm xúc trong từng bối cảnh và những trường đoạn nội tâm nhân vật.
Cùng với Người tốt nhà số 5, vở diễn Đợi đến mùa Xuân của Nhà hát Tuổi trẻ do Duy Anh đạo diễn từ kịch bản của Xuân Trình lại đề cập niềm tin và khát vọng của giới trẻ mới lớn và của những giáo viên đang ngày đêm cống hiến, giúp định hình nhân cách học trò. Có những bi kịch cá nhân, những số phận nhà giáo chịu nhiều thiệt thòi từ cơ chế, chính sách quan liêu, từ căn bệnh thành tích và cả những mưu mô hãm hại, nhưng trên hết, vở diễn là sự tỏa sáng niềm tin mạnh mẽ về những điều tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo mẫu mực hết lòng vì học trò, đấu tranh cho lẽ phải và sự công bằng. Phản ánh về hệ thống giáo dục từ thời bao cấp, nhưng vở diễn vẫn nóng hổi tính thời sự khi lột tả được phần nào khiếm khuyết và cả những tệ nạn còn dai dẳng đeo bám đến hiện tại của hệ thống giáo dục ngày nay với một bộ phận những kẻ cơ hội, hám danh, đội lốt nhà giáo để làm điều khuất tất. Họ kiếm tiền, rao giảng đạo đức trên bục giảng, song lại làm ngược lại trong cuộc sống, làm mất niềm tin của giới trẻ đang đứng trước cánh cửa cuộc đời khi bắt họ phải học, phải làm theo. Dựng một vở diễn chính luận, đạo diễn Duy Anh đã thành công khi đưa vào những yếu tố ca múa nhạc đương đại, thể hiện sự tươi mát, thanh xuân với những khoảng lặng trữ tình và tình cảm trong sáng của tuổi học trò. Đợi đến mùa Xuân cùng sự vun trồng của những người thầy, người cô mẫu mực vun đắp cho tương lai, nhất định những hạt mầm giáo dục tốt đẹp sẽ nảy nở, là thông điệp mà vở diễn muốn chuyển tải.