Xử trí kích ứng da do chảy dãi ở trẻ nhỏ

03/10/2020 20:32

Chảy nước dãi rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ sắp mọc răng. Điều này thường không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, chảy nước dãi quá nhiều đôi khi có thể gây kích ứng da của trẻ dẫn tới phát ban.

Kích ứng da do chảy nước dãi ở trẻ nhỏ còn gọi là phát ban nước dãi có thể gây khó chịu cho trẻ khiến trẻ nhỏ quấy khóc nhiều hơn bình thường, ngủ kém, ăn kém... Nhưng cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể ngăn ngừa hoặc khắc phục hiện tượng này bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà.

Phát ban nước dãi là gì?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chảy nước dãi là chuyện bình thường, thường bắt đầu khi trẻ được khoảng 3-6 tháng tuổi và có thể kéo dài tới khi trẻ được 15-18 tháng tuổi. Tuy nhiên, nước dãi tiếp xúc với da trẻ nhỏ vốn dĩ mỏng manh có thể gây kích ứng và dẫn đến phát ban.

Trước hết, cần xác định có đúng là phát ban nước dãi không. Cần phân biệt với bệnh tay- chân- miệng hoặc bệnh sởi hoặc các bệnh lý có triệu chứng phát ban khác.

Phát ban nước dãi không lây và không liên quan đến bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các mảng đỏ, sẩn trên da các vùng xung quanh miệng như má, cằm, cổ, ngực... khiến trẻ đau, ngứa, rát và khó chịu.

Chảy nước dãi là một quá trình tự nhiên và cũng có thể là triệu chứng đi kèm của quá trình mọc răng. Tình trạng chảy nước dãi có thể bắt đầu khá lâu trước khi răng mọc và kéo dài sau đó. Bên cạnh nguyên nhân mọc răng, trẻ sơ sinh cũng có thể tự nhiên chảy nước dãi dochức năng nuốt chưa hoàn hảo, vòm miệng nhỏ và nông, xu hướng hé mở miệng thường xuyên...

 chảy dãi ở trẻ nhỏ

Có thể cho bé dùng vòng gặm nướu để giảm tiết nước bọt

Chăm sóc trẻ bị phát ban nước dãi như thế nào?

Cha mẹ và người chăm sóc có thể thực hiện các biện pháp đơn giản để giảm khó chịu của phát ban nước dãi. Cách tốt nhất để điều trị là giữ cho da trẻ luôn khô ráo và ngăn ngừa ban phát triển thêm.

Luôn luôn có sẵn khăn sạch, mềm (loại khăn lau chuyên dùng cho trẻ em) và làm khô mặt cho trẻ ngay khi có nước dãi chảy ra.

Nhẹ nhàng rửa vùng phát ban bằng nước ấm và sau đó thấm khô bằng khăn mềm, sạch. Tránh chà sát mạnh làm trầm trọng hơn vùng da bị phát ban.

Bôi chất làm mềm, kem bảo vệ hoặc thuốc mỡ vào vùng da bị ảnh hưởng để giúp bảo vệ và chữa lành da của em bé. Tuy nhiên, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm mới nào trên da bé, đặc biệt là khi bôi vùng gần miệng.

Tránh sử dụng các chất gây kích ứng da em bé, chẳng hạn như bột giặt tẩy mạnh, nước thơm. Hãy thử thay thế các sản phẩm này bằng các sản phẩm dịu nhẹ, không có mùi thơm.

Cha mẹ và người chăm sóc nên thay thế hoặc hạn chế sử dụng bất kỳ đồ vật nào có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng phát ban.

Phòng ngừa thế nào?

Ngăn ngừa chảy nước dãi thật khó, đặc biệt khi nhiều trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường chảy nước dãi một cách tự nhiên. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu phát ban do nước dãi: Luôn làm sạch và tiệt trùng bình sữa và núm vú giả của trẻ để đảm bảo rằng chúng không phải là nguyên nhân gây phát ban.  Lau mặt trẻ thật nhẹ nhàng bằng khăn để làm sạch nước dãi ngăn ngừa kích ứng da. Tốt nhất là sử dụng các loại vải mềm, không gây kích ứng. Lau mặt cho trẻ sau khi bú bằng cách dùng khăn ẩm vỗ nhẹ lên da. Tránh chà xát mạnh vì có thể gây kích ứng da của em bé.Tránh véo má bé gây kích thích chảy nước dãi. Cho em bé mặc một chiếc yếm có một mặt không thấm nước để nước dãi không dính vào cổ, ngực và thấm vào quần áo. Thay yếm dãi thường xuyên. Nếu quần áo bé bị thấm nước dãi cần thay ngay.

Nếu việc mọc răng khiến trẻ chảy nhiều nước dãi, hãy thử cho trẻ dùng vòng gặm nướu với nhiệt độ thấp (cho vào ngăn mát tủ lạnh trước khi cho trẻ sử dụng) để giảm khó chịu và giảm tiết nước bọt.

Khi nào gặp bác sĩ?

Chảy nước dãi là điều tự nhiên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù phát ban nước dãi có thể gây khó chịu, nhưng nó thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên xin tư vấn với bác sĩ nếu em bé có các dấu hiệu sau đây:

Cáu kỉnh hoặc quấy khóc bất thường; Sốt; Khó thở hoặc khó nuốt; Không chịu ăn hoặc ăn ít hơn; Bé thường giữ đầu ở một tư thế bất thường.

Tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám bệnh nếu phát ban nghiêm trọng, da nứt nẻ, chảy dịch, chảy máu hoặc có vẻ khiến trẻ đau, ngứa quá mức.

BS. Nguyễn Thị Lý
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/xu-tri-kich-ung-da-do-chay-dai-o-tre-nho-n180891.html

Bạn đang đọc bài viết "Xử trí kích ứng da do chảy dãi ở trẻ nhỏ" tại chuyên mục Mẹo vặt y khoa.

Đọc thêm những thông tin liên quan trên https://suckhoevasacdep.com.vn/

 

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục