Trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc vùng cao phía Bắc, các phiên chợ tình dường như không còn xa lạ. Nó xuất hiện ở cả trong những bài hát quen thuộc: “Mặt trời hồng lưng vách núi, lững lờ làn mây trắng/Con chim gì mà hót vui vang cả cánh rừng/Vui chân, vui chân ta cùng xuống chợ...”. Người dân đến chợ tình “Phong lưu” không chỉ để mua bán mà còn gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ. Họ uống cùng nhau chén rượu nồng, trao nhau những khúc hát ân tình say đắm, và gửi gắm tín vật tình yêu…
Chợ tình ở thị trấn Bảo Lạc đã có từ xa xưa. Khu chợ nằm trên một con phố giữa trung tâm thị trấn với địa hình tựa như lòng chảo với một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi, một bên là dòng sông Gâm uốn lượn hiền hòa.
Phiên chợ tình đầu tiên trong năm tổ chức vào ngày 30/3 âm lịch. Vào ngày “áp phiên”, khi bình minh vừa mới ló rạng, bà con ở các bản làng xa xôi từ khắp các ngả đường đã náo nức kéo về dự phiên chợ hội với bao lời hò hẹn, chẳng nề hà đồi núi gian nan hay dốc, suối trập trùng. Lúc màn đêm buông xuống, âm thanh của điệu hát sli, hát lượn tha thiết, làn điệu dân ca thắm đượm tình người khiến không gian trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết. Tiếng sáo vi vu, tiếng khèn du dương trầm bổng gọi bạn tình da diết, các cô gái sặc sỡ váy hoa, thẹn thùng e ấp đợi chờ… Tâm trạng buổi áp phiên chợ tình rất lạ, giống như trước khi yêu - khấp khởi đấy nhưng cũng xen lẫn lo âu, hồi hộp.
Trong đêm hội đông đúc có cả những gương mặt đã ở tuổi xế chiều. Họ đến dự chợ phiên chỉ mong gặp lại người xưa, để hỏi nhau về cuộc sống hiện tại có hạnh phúc không, có mạnh khỏe không? Hay có những người đi chợ tình chỉ để gặp bạn bè, cùng nhau uống chén rượu sau những mùa nương rẫy nhọc nhằn. Họ đốt lửa tâm sự, nhảy múa, uống rượu rồi hát suốt đêm đến sáng không biết mệt.
Đúng ngày chợ phiên, các chàng trai, cô gái tụ hội từng nhóm theo từng dân tộc, khoác trên mình những bộ xiêm y rực rỡ sắc màu, leng keng vòng bạc, xúc xắc… Họ cùng vui trong tiếng khèn, chân xoay theo điệu múa, rung rinh tà váy, xoắn xuýt người đi, kẻ ở.
Giống như các phiên chợ khác trong năm, chợ tình “Phong lưu” Bảo Lạc cũng có nhiều món ẩm thực và sản vật quý hiếm. Đó là hương vị của thịt treo gác bếp, thịt lợn khô, lạp sườn hun khói đậm đà, thịt chua lạ miệng, rượu ngô ủ men lá thơm nồng nàn, quyện với xôi nếp nương mềm dẻo, bánh ngô, bánh trứng ngon lành… Mặt hàng chính đắt khách nhất trong ngày chợ là bánh hình mặt trăng và bánh khảo nhân tàu xá gói vuông vắn bằng giấy xanh đỏ. Bánh khảo được các chàng trai mua tặng cô gái đã quen biết, hẹn hò nhau từ phiên chợ 30/3 âm lịch.
Qua câu hát giao duyên, những lời tâm tình đã có những ánh mắt đắm đuối chan chứa tình cảm. Lúc này chàng trai, cô gái đã “chấm” được đối phương thường đến những không gian riêng tư hơn để tâm tình và hẹn nhau gặp lại trong chợ tình ngày 15/8.
Chợ tình bày bán sản phẩm của các dân tộc.
Tại chợ tình ngày 15/8, những cô gái Tày sẽ mang theo đôi giày vải đã chuẩn bị từ trước trao cho chàng trai. Đây là đôi giày vải được chính tay các cô gái dệt bằng tình yêu, niềm thương, nỗi nhớ nên khi trao cho chàng trai trong ngày gặp lại chính là tín vật tình yêu để tạo ra mối dây tình cảm; là cái cớ để trai gái đến với nhau, tự biểu lộ tình yêu của người con gái với người con trai. Và cũng là một lời khẳng định tình cảm nghiêm túc mong muốn được cập bến tình yêu.
Đôi giày vải- tín vật tình yêu của người con gái Tày được chế tác công phu và hàm ẩn những ý nghĩa sâu sắc, tế nhị. Đây là các đôi giày vải truyền thống của người Tày được làm thủ công. Đế giày cắt từ mo tre; lọc bột nấu thành hồ, lấy vải dán lên tấm gỗ để tán đều hồ lên tấm vải; khâu thân giày với đế giày bằng sợi chỉ…
Khi người con trai cầm lấy đôi giày vải cô gái trao tặng, qua bạn bè sẽ tìm gặp lại được người con gái một cách kín đáo để tiếp tục tìm hiểu, vun đắp tình cảm. Nếu tình cảm đôi trai gái vẫn tiếp tục phát triển tốt đẹp, bố mẹ người con trai cũng sẽ tìm hiểu để biết về người thương của con mình. Ưng ý rồi sẽ định ngày trực tiếp hoặc nhờ người đem gà, rượu đến nhà bạn gái, xin ghi ngày, tháng, năm sinh, để xem tuổi có hợp hay không, rồi quyết định cho con kết hôn theo phong tục địa phương.
Nay đôi giày vải ở chợ tình “Phong lưu” vẫn còn nhưng chỉ thường để biểu diễn các trích đoạn giao duyên trên sân khấu hoặc được đề cập đến khi các nhà nghiên cứu, người tâm huyết về văn hóa dân tộc truyền thống đến tìm hiểu.
Lãnh đạo huyện Bảo Lạc chia sẻ, chợ tình “Phong lưu” được tổ chức hằng năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tái hiện những giá trị đời sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mang đậm tính nhân văn của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc. Đồng thời, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quảng bá hình ảnh đất và người, văn hóa đặc trưng của huyện Bảo Lạc với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân cũng đổi thay hơn trước. Chợ tình “Phong lưu” huyện Bảo Lạc dù cách thức có thay đổi, vẫn giữ nguyên trong đó quan niệm nhân văn sâu sắc, cùng những giá trị văn hóa và phong tục tập quán vô cùng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Khách từ mọi miền tổ quốc về Bảo Lạc đúng phiên chợ tình sẽ có những cảm nhận rất đặc biệt, hòa cùng với đồng bào nơi đây những phút giây xao xuyến, những dư âm khó có thể nào mờ phai trong ký ức.