Đây là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khi chủ trì buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo Sở Y tế các địa phương trong cả nước chiều ngày 19/8.
Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế: Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn và lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế
Đến nay ổ dịch Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, chúng ta đang từng bước kiểm soát
Phát biểu tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong gần 1 tháng qua, chúng ta triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt, chưa bao giờ Bộ Y tế huy động các chuyên gia đầu ngành đông đảo, tinh nhuệ như vậy về hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh miền trung.
Bằng những giải pháp quyết liệt, đến nay ổ dịch Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, chúng ta đang từng bước kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Phát biểu tại giao ban với lãnh đạo Sở Y tế các địa phương chiều ngày 19/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải nâng mức độ cảnh giác cao nhất trong phòng chống dịch COVID-19 Ảnh: Trần Minh
Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán ăn “Thế giới bò tươi” – nơi có ca bệnh 867- từ khoảng ngày 25-27/7. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc COVID-19. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngay từ khi phát hiện ca nhiệm đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế cũng đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch…
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, mặc dù đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị ở khu vực Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã nỗ lực hết sức cùng với sự góp sức của các lực lượng chuyên gia tinh nhuệ của Bộ Y tế đến hỗ trợ, tuy nhiên vẫn có 25 trường hợp mắc COVID-19 tử vong. Đa phần các bệnh nhân tử vong đều có bệnh lý nền nặng, nhiều năm. Có trường hợp ung thư máu, có trường hợp chạy thận nhân tạo đã nhiều năm, có trường hợp bị bệnh tim mạch nhiều năm...
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi nhận định tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, “đó là điều chúng ta cần để ý”, trong đó việc làm thế nào để kiểm soát COVID- 19 tại các cơ sở y tế luôn được ngành y tế quán triệt chỉ đạo thực hiện
“Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải làm gì khi dịch bệnh xảy ra. Thực tế cho thấy nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý, đấy là lý do tại sao Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia trung ương đến hỗ trợ các địa phương...
Khi xảy ra dịch ở các địa phương khác sẽ không kém phần như Đà Nẵng. Đà Nẵng là một ví dụ về vấn đề con người, cơ sở cấp cứu, dù chúng ta đã nỗ lực nhưng khổng thể cấp cứu mà phải huy động tổng lực từ trung ương đến hỗ trợ. Vậy nếu dịch xảy ra tại một tình miền núi thì sẽ càng khó khăn hơn. Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên mà sẵn sàng có dịch”- Quyền Bộ trưởng thẳng thắn nói.
Liên quan đến vấn đề vắc xin ngừa COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, Bộ Y tế đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vắc xin nhưng không thể sớm được, nếu sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021, từ nay đên lúc đó, chúng ta phải sẵn sàng “chiến đấu” với giặc COVID-19
Các địa phương phải chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế tại điểm cầu Bộ Y tế Ảnh: Trần Minh
Tại buổi giao ban, sau khi nghe ý kiến các thảo luận của các địa phương, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải cố gắng bằng mọi cách để nâng cao công suất xét nghiệm bằng PCR, ví như tỉnh Khánh Hoà tối thiểu phải đạt 2.000 mẫu/ ngày vì đây là địa phương có nhiều khách du lịch, “nên tỉnh cần chủ động trong xét nghiệm để sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh bùng phát diện rộng”
Liên quan tới đề xuất của lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương về việc Bộ Y tế tăng cường thêm chuyên gia chống dịch cho tỉnh, bởi “các chuyên gia đều nhận định đây ổ dịch phức tạp do chưa truy tìm được F0, số lượng khách đến nhà hàng đó khoảng 1.000 người và thời gian kể từ khi phát hiện ra ca bệnh đã khoảng 2 tuần, nên tiếp xúc với cộng đồng đã nhiều”, Quyền Bộ trưởng cho biết ngay trong ngày mai, Bộ Y tế sẽ tăng cường thêm chuyên gia đầu ngành về truy vết, giám sát dịch cho Hải Dương
Trước đề xuất của tỉnh Kiên Giang về việc cần có sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về năng lực xét nghiệm nếu có dịch bệnh xảy ra nhiều, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, nếu như trên địa bàn của một địa phương xảy ra dịch thì Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh có thể sẵn sàng hỗ trợ, tuy nhiên nếu như các địa phương của khu vực miền tây đều đồng loạt xảy ra dịch bệnh thì lực lượng của Viện Pasteur sẽ phải chia sẻ.
“Do đó, tôi đề nghị không riêng gì Kiên Giang mà các địa phương trong cả nước cần phải chủ động, thực hiện chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, trong trường hợp cần thiết thực sự mới cần đến trung ương hỗ trợ”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế và thực hiện sàng lọc những trường hợp theo đúng quy định để được BHYT thanh toán. Tuy nhiên, việc sàng lọc trong cộng đồng sẽ không được thanh toán.
Đồng thời, các địa phương phải nâng cao năng lực xét nghiệm, chuẩn bị tâm thế có dịch, tránh tâm thế trông chờ, thụ động. Phải chủ động trong các tình huống ca bệnh tăng để huy động năng lực xét nghiệm.
“Xét nghiệm rất quan trọng, từ xét nghiệm chúng ta mới có thể nhanh chóng truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”- Quyền Bộ trưởng khẳng định
Về vấn đề trang thiết bị phòng hộ cho chống dịch, các địa phương phải chuẩn bị giường câp cứu, nhân lực. Trong trường hợp nếu khoa chạy thận nhân tạo có bệnh nhân thì phải ngay lập tức tách ngay những người đang chạy thận ra khỏi khu vực khác. Tuyệt đối không được chủ quan.
Về công tác phòng chống dịch của Quảng Trị, Quyền Bộ trưởng lưu ý, tỉnh cần giám sát chặt trường hợp bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân ở khoa hô hấp, hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc...
Các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ
Phát biểu kết luận buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, lần này chúng ta xác định dịch có diễn biến phức tạp, do đó chúng ta phải nâng cao cảnh giác, có thể xuất hiện chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng vì tốc độ lây lan của dịch lần này khá nhiều. Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch, lần trước chỉ có khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan khoảng 150 ổ.
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương báo cáo tại buổi giao ban Ảnh:Trần Minh
Chúng ta có nhiều bài học trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và chung tay của cộng đồng.
Bài học tiếp theo của đợt chống dịch lần này là chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, hành động khẩn trương, thần tốc trong chống dịch. Nếu chúng ta chần chừ sẽ rất nguy hiểm. Bài học tiếp theo là truy tìm, cách ly thật nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng để cách ly thật nhanh mầm bệnh. Nếu chúng ta lơ là trong cách ly trường hợp F1 thì sẽ gặp khó khăn. Do đó, chúng ta quán triệt việc cách ly tập trung trường hợp F1.
Tiếp theo, các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động và nhịp nhàng để tránh trường hợp nếu chúng ta phong toả một loạt các bệnh viện thì sẽ khó khăn trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần cấp cứu. Do đó, các địa phương phải lên kịch bản sẵn về việc các bệnh viện sẽ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp trên địa bàn có cơ sở y tế bị “đóng băng”
“Tôi nhấn mạnh lần nữa, chúng ta phải bảo vệ bằng được điểm cốt tử của bệnh viện như khoa hồi sức, khoa và đội ngũ nhân viên y tế, nếu để COVID- 19 vào đây thì rất nguy hiểm. Chúng ta không được nghĩ bệnh viện ngoại khoa, chuyên khoa đặc biệt thì sẽ không có COVID-19 mà phải sẵn sàng tâm thế chống dịch quyết liệt, do đó các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Y tế về phân luồng, cách ly, giám sát, điều trị, chống nhiễm khuẩn và bảo vệ nhân viên y tế trong bệnh viện”- Quyền Bộ trưởng nói
Đồng thời Quyền Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở y tế phải rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong toả, nhiều bệnh nhân và nhiều cán bộ y tế dương tính để nâng cao ứng phó và cảnh giác thật nhanh nếu không sẽ bị luống cuống. Chúng ta chậm mấy ngày thì chu kỳ dịch đã nhân lên gấp đôi vì thế phải rà soát ngay.
Một số điểm cầu Sở Y tế các địa phương tham dự giao ban Ảnh: Trần Minh
Bài học tiếp theo theo ở đợt chống dịch lần này là phải dựa vào các tổ chống dịch trong cộng đồng, đó là các tổ giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ tại cộng đồng. Hải Phòng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác đã làm tốt việc này...
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản ứng phó phòng chống dịch trên nhiều cấp độ, từ cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, xét nghiệm..., trong đó có vấn đề tập huấn cho cán bộ y tế về truy vết, lấy mẫu... và cả vấn đề bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.
Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt,... nếu không báo cho cơ sở y tế thì yêu cầu xử lý nghiêm. Đối với các bệnh viện, nếu để tình trạng bệnh nhân nghi ngờ “lọt” thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm