Cách dùng hạnh nhân rất đa dạng; có thể ăn sống như một bữa ăn nhẹ lành mạnh; là thành phần chính trong bơ hạnh nhân, sữa hạnh nhân, bột hạnh nhân; thậm chí có trong nhiều loại kem thoa cơ thể và nước hoa.
Hạnh nhân có hai loại: khổ hạnh nhân (nhân hạt mơ đắng) và cam hạnh nhân (nhân hạt mơ ngọt). Khổ hạnh nhân hay dùng làm thuốc hơn.
Về thành phần hóa học, hạnh nhân có 2-3% amygdalin, 40- 50% dầu béo, men (emulsin, amygdalase, prunase...). Theo Đông y, hạnh nhân vị đắng, tính ôn, có ít độc; vào kinh Phế và Đại trường.
Khổ hạnh nhân có chứa amygdalin, dưới tác dụng của men và dịch vị sẽ cho acid xyanhydric (HCN) và aldehyt benzoic. Aldehyt benzoic có tác dụng long đờm. Chất HCN có tác dụng với trung khu thần kinh, lúc đầu gây hưng phấn, sau ức chế có thể dẫn đến co quắp, sau đó hôn mê, nên không được uống quá liều lượng. Dùng sống rất dễ bị ngộ độc; nếu bị ngộ độc, có thể lấy 100-125g vỏ cây mơ, sắc uống để giải độc.
Hạnh nhân có tác dụng trừ đàm chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho người bị viêm khí phế quản, hen suyễn, ho, viêm họng, táo bón. Ngày dùng 4-10g, bằng cách nấu, ướp, chưng hầm.
Cháo hạnh nhân thích hợp cho người hen suyễn cấp phù nề, tiểu dắt, tiểu buốt.
Hạnh nhân được dùng làm thuốc trong các trường hợp
Tuyên phế, bình suyễn: Chữa viêm phế quản, hen phế quản.
Bài 1: khổ hạnh nhân 8g, tô diệp 8g, cát cánh 8g, chỉ xác 8g, quất bì 8g, gừng sống 8g, phục linh 12g, tiền hồ 12g, pháp bán hạ 8g, đại táo 8g. Sắc uống. Chữa ho, hen suyễn, cảm mạo do lạnh (phong hàn).
Bài 2: cam hạnh nhân 200g, nước ép gừng tươi 80g, tử uyển 63g, ngũ vị tử 63g, vỏ rễ dâu 70g, bối mẫu 70g, mộc thông 70g. Sắc lấy nước và cô đặc, thêm mật ong cô thành cao. Mỗi lần uống 1 thìa, ngày 2 lần. Chữa ho lâu ngày, có tiếng rít.
Nhuận tràng, thông đại tiện: hạnh nhân 12g, bá tử nhân 12g, hỏa ma nhân 12g. Sắc uống. Chữa người già hoặc phụ nữ sau khi đẻ bị táo bón.
Món ăn thuốc có hạnh nhân
Hạnh nhân ướp đường phèn: hạnh nhân, đường phèn, liều lượng bằng nhau. Hạnh nhân ngâm vào nước sôi, bóc bỏ vỏ màng; nghiền trộn với đường. Ngày ăn 2 lần sáng và chiều, mỗi lần ăn 9g. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản mạn tính, ho khan dài ngày đờm dính.
Hạnh lê ẩm: hạnh nhân 10g, lê to 1 quả. Lê gọt vỏ thái lát. Hai thứ nấu chín, thêm chút đường phèn khuấy cho tan đều. Dùng tốt cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp tính dạng viêm khô, nóng sốt, ho khan ít đờm.
Cháo hạnh nhân: hạnh nhân 10g, gạo tẻ 60-100g. Hạnh nhân bóc vỏ ngoài, đập vụn nấu với gạo thành cháo. Dùng cho người hen suyễn cấp phù nề, tiểu dắt, tiểu buốt.
Hạnh nhân trư phế thang: phổi lợn 200g, hạnh nhân 10g, mật ong 100ml, gừng tươi 10g. Đem phổi lợn thái lát; nấu với gừng và hạnh nhân, ăn trong ngày. Dùng tốt cho bệnh nhân ho gà, ho khan từng cơn dài ngày.
Cháo hạnh nhân tử tô: hạnh nhân 10g, tô tử 15g, lai phục tử 15g, gạo tẻ 100g. 3 dược liệu nấu lấy nước bỏ bã, nấu với gạo thành cháo. Ngày làm 1 lần, chia 2 lần ăn (sáng, chiều). Dùng tốt cho bệnh nhân bị hen phế quản (suyễn) thở có tiếng ngáy rít trong họng, đầy tức vùng ngực, ho đờm trắng loãng, sợ lạnh, sốt nóng, đau mỏi toàn thân.
Gà hầm hạnh nhân: gà mái ta 1 con (khoảng 1kg), hạnh nhân 45g. Gà làm sạch, chặt bỏ đầu, cổ, ruột; hạnh nhân đảo trong nước sôi vài phút bóc bỏ vỏ ngoài. Gà và hạnh nhân đặt trong bát tô to; thêm dấm, muối, gừng, hành và chút nước. Đun cách thủy trong 2 giờ. Món này rất tốt cho bệnh nhân viêm khí phế quản mạn, lao phổi, táo bón.
Kiêng kỵ: Người bị tiêu chảy cấm uống. Không dùng quá liều (người lớn 12g, trẻ em 4g).